Cách viết các đoạn văn nghị luận xã hội chuẩn cấu trúc thi THPT QG

10/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Cách viết các đoạn văn nghị luận xã hội chuẩn cấu trúc thi THPT QG

Với cấu trúc đề thi môn Ngữ văn như hiện nay, phần thi nghị luận xã hội trở thành câu hỏi chiếm tỉ trọng lớn trong thang điểm toàn bài thi. Cụ thể, các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ thường chiếm từ 2 cho đến 2.5 điểm trong đề thi.

Vậy làm thế nào để có thể viết được đoạn văn nghị luận 200 chữ đạt điểm tối đa? Dưới đây là hướng dẫn làm đề nghị luận xã hội từ 2 đề thi thử THPT Quốc gia chuẩn cấu trúc dành cho các em học sinh lớp 12.

1, Hướng dẫn viết các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ – đề thi thử THPT Quốc gia – đề thi số 1

 

 Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ là dạng bài thường gặp trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Niềm vui là lương thực chúng ta sống dựa vào

Ngay từ thời Trung Cổ, nhà y học nổi tiếng người Iran là Ibn Sina, người được mệnh danh là “cha đẻ của y học” đã từng làm một thí nghiệm.

Ông tìm hai con dê đực to khỏe như nhau, lần lượt thả chúng vào hai chỗ khác nhau. Một con được thả trên bãi cỏ yên tĩnh, an toàn, không có bất kỳ nguy hiểm nào; con còn lại được thả trong vườn bách thú bên cạnh chuồng sói.

Hai con dê này đều được ăn ngon ngủ kỹ, sống trong môi trường thoải mái. Con dê đầu tiên sống tự do tự tại, còn con thứ hai do thường xuyên cảm thấy bầy sói bên cạnh đang nhìn mình, đang có ý đồ xấu với mình, suốt ngày lo lắng sợ hãi, tinh thần luôn ở trong trạng thái căng thẳng cao độ, nên không lâu sau thì chết.

Qua thí nghiệm này chúng ta phát hiện, dê muốn sinh tồn, không những cần có đồ ăn thức uống, mà còn cần sự bình yên về tinh thần. Khi con dê ở vào trạng thái sợ hãi, lo lắng trong thời gian dài, cho dù bày bao nhiêu đồ ăn ngon trước mặt nó, cũng khó có thể duy trì sự sống của nó.

Đối với con người chúng ta mà nói, nếu không thể duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, e rằng chúng ta cũng sẽ có kết cục giống với con dê thứ hai kia. Sự suy sụp trong tinh thần và sự rệu rã của hệ thống sinh lý đều có tính tàn phá như nhau. Tác dụng của cán cân vui vẻ chính là giúp chúng ta không ngừng hấp thu “chất dinh dưỡng” từ niềm vui trong cuộc sống hiện thực, bảo vệ chúng ta trong trạng thái sinh tồn trong vui vẻ.

Hãy quay về hiện thực cuộc sống, thử xem cán cân vui vẻ không ngừng giành lấy niềm vui trong hiện thực để duy trì sinh mệnh của chúng ta như thế nào.

Học sinh trả lời các câu hỏi đọc hiểu từ 1 đến 4, từ đó liên hệ tới các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ở câu số 5

Câu 1. Tác giả sử dụng thao tác lập luận chính nào trong văn bản trên?

Câu 2. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của con dê thứ hai trong thí nghiệm trên là gì?

Câu 3. Để cân bằng cán cân vui vẻ, con người cần những “chất dinh dưỡng” nào?

Câu 4. Theo anh/ chị, có giải pháp gì hiệu quả cho những người đang mất thăng bằng "cán cân vui vẻ”?

Câu 5 (câu nghị luận xã hội): Quan niệm của anh/ chị về một cuộc sống đầy đủ?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1: Văn bản sử dụng thao tác lập luận chính là thao tác quy nạp. Từ dẫn chứng cụ thể để rút ra kết luận về sự cân bằng trong cuộc sống.

Câu 2: Nguyên nhân cái chết của con dê thứ hai kia là: do thường xuyên cảm thấy bầy sói bên cạnh đang nhìn mình, đang có ý đồ xấu với mình, suốt ngày lo lắng sợ hãi, tinh thần luôn ở trong trạng thái căng thẳng cao độ.

Câu 3: Để duy trì cán cân vui vẻ, những “chất dinh dưỡng” con người cần chính là:

+ Môi trường sống thoải mái, đảm bảo các nhu cầu của hệ thống sinh học

+ Cảm giác về sự an toàn

+ Niềm vui trong cuộc sống hiện thực.

Câu 4

Giải pháp: bù đắp những dưỡng chất bị thiếu hụt: chăm lo sức khỏe, trau dồi tri thức, gia tăng quan hệ cộng đồng, tìm kiếm niềm vui tinh thần,...

Câu 5: Hướng dẫn dàn ý chung cho các các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

A. Mở bài: Nêu vấn đề và giải thích vấn đề: Những điều kiện cho một cuộc sống đầy đủ. Cuộc sống đầy đủ là khi người ta được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, để tự cảm nhận được một cuộc sống hạnh phúc và thoải mái

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Những yếu tố tạo nên một cuộc sống đầy đủ

Mỗi con người có những nhu cầu khác nhau nhưng có những nhu cầu là chung cho cả nhân loại:

●       Nhu cầu sinh học: ăn, uống, ngủ, nghỉ,...

●       Nhu cầu cảm giác an toàn

●       Nhu cầu giao lưu tình cảm xã hội

●       Nhu cầu nhận thức: trí tuệ, thẩm mĩ,...

●       Nhu cầu được tôn trọng.

●       Nhu cầu thể hiện bản thân

Tất cả các yếu tố trên sẽ đảm bảo cho một cảm giác đầy đủ trong cuộc sống

Luận điểm 2 - cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ phần Phản biện: Làm sao có thể đảm bảo hết tất cả các nhu cầu của con người

Tùy từng hoàn cảnh, các nhu cầu sẽ tự cân bằng cho nhau, nên nhiều khi, sự thiếu hụt một hoặc một vài yếu tố vẫn khiến cho người ta có được cảm giác đủ đầy.

 Tháp nhu cầu Maslow về những nhu cầu của con người được xếp theo thứ tự ưu tiên

Ví dụ: một sinh viên nghèo vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được học tập và nghiên cứu đúng lĩnh vực đam mê.

Luận điểm 3: Nêu lên giải pháp cho cộng đồng và cá nhân

●       Tôn trọng các nhu cầu cá nhân, và đảm bảo sự công bằng nhu cầu xã hội, tiến tới một xã hội nhân văn.

●       Mỗi con người cần biết đủ. Hạnh phúc là khi biết đủ.

C. Kết bài: Liên hệ bài học cho bản thân: Biết cân bằng và lựa chọn những nhu cầu thiết yếu cho mình để cảm nhận một cuộc sống hạnh phúc.

2, Hướng dẫn viết các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ – đề thi thử THPT Quốc gia – đề thi số 2

 

THỜI NẮNG XANH

“Nắng trong mắt những ngày thơ bé

Cũng xanh mơn như thể lá trầu

Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau

Chở sớm chiều tóm tém

Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm

Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài

Bóng bà đổ xuống đất đai

Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt

Rủ rau má, rau sam

Vào bát canh ngọt mát

Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.”

Học sinh trả lời các câu hỏi đọc hiểu từ 1 đến 4, từ đó liên hệ tới các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ở câu số 5

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản?

Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã nhớ lại những gì trong thời thơ bé?

Câu 3. Nêu tên và tác dụng của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: "Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu”?

Câu 4. Anh/ Chị cảm nhận được điều gì về tâm hồn của nhà thơ qua đoạn trích trên? Điều đó khơi gợi trong tâm hồn anh/ chị tình cảm gì? Vì sao?

Câu 5. Đọc bài thơ, có người so sánh, lũ trẻ hôm nay không còn có những kỉ niệm về buổi chiều bắt cào cào châu chấu nữa, thay vào đó là những ngày tháng ngày học tập và làm bạn cùng máy tính, điện thoại thông minh. Bàn luận về sự khác biệt đó (viết đoạn văn 200 chữ).

 Tuổi thơ xưa với những trò chơi dân dã như ô ăn quan, đuổi bắt,... đã lùi vào dĩ vãng

Hướng dẫn làm bài

Câu 1. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Tác giả đã nhớ lại những hình ảnh thời thơ bé:

Người bà bổ cau, nhai trầu

Nắng xiên khoai qua vách liếp

Đi bắt châu chấu, cào cào

Bát canh rau má, rau sam ngọt mát.

Câu 3: Biện pháp tu từ:

●       So sánh: nắng - lá trầu.

●       Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: nắng - xanh mơn.

Tác dụng:

●       Về hình thức: giúp câu thơ giàu hình ảnh, sinh động và mang đậm cá tính sáng tạo của nhà thơ.

●       Về nội dung: thể hiện cảm xúc và cách nhìn đặc biệt của người cháu về màu nắng trong kỉ niệm, gắn liền với hình ảnh người bà, với những kí ức thời thơ bé không thể nào quên

Câu 4:

Nội dung chính của bài: Nêu cảm nhận về tâm hồn nhà thơ và những cảm xúc của bản thân khi đọc văn bản

Sau đây là một ví dụ bài làm mẫu

Qua văn bản, ta cảm nhận được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, thái độ trân trọng mọi kỉ niệm tuổi thơ của tác giả. Tình cảm đó khơi gợi trong tâm hồn mỗi người tình yêu với quê hương, những kí ức quý giá thời thơ ấu bên những người thân thương. Đó là những tình cảm chân thành, hồn hậu, vốn sẵn có trong tâm hồn mỗi người, chỉ cần một tín hiệu đã đủ khơi dậy cả một miền kỉ niệm không quên.

Câu 5: Hướng dẫn viết bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ

A. Mở bài: Nêu vấn đề và giải thích vấn đề: Sự khác biệt của tuổi thơ giữa hai thế hệ xưa và nay. Nếu như thế hệ Xưa có tuổi thơ gắn liền với những tháng ngày rong chơi, với thiên nhiên đồng nội. Thì thế hệ Nay, tuổi thơ gắn với hoạt động học tập, với các thiết bị công nghệ hiện đại.

B. Thân bài

Luận điểm 1: Luận bàn: Lí do của sự thay đổi và phân tích ưu nhược điểm của mỗi thời đại

Sự phát triển của công nghệ và những yêu cầu mới của thời đại là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt đó.

●       Xưa trẻ con được hòa mình với thiên nhiên, bồi dưỡng tâm hồn và cảm xúc, nhưng ít điều kiện tiếp thu khoa học.

●       Nay trẻ con lại được tiếp cận với khoa học, được tiếp thu những thành tựu công nghệ, nhưng bị hạn chế thời gian vui chơi, ít hòa mình vào thiên nhiên.

Luận điểm 2: Phản biện: Vậy xã hội ngày nay nên để cho trẻ em tuổi thơ thế nào? Trong xã hội hiện đại, không thể bắt trẻ con chỉ mãi chơi với cào cào châu chấu như xưa.

Luận điểm 3: cách viết các đoạn văn nghị luận xã hội phần Giải pháp: Làm sao để tốt nhất cho trẻ em về mặt nhận thức cũng như hành động

●       Quan tâm toàn diện đến trẻ em: vừa trí tuệ, vừa nuôi dưỡng tâm hồn.

●       Cân bằng việc tiếp cận công nghệ và việc cho trẻ những trải nghiệm gắn với thiên nhiên như: đi tham quan, du lịch, làm tình nguyện,...

C. Kết bài: Liên hệ, rút ra bài học với bản thân: Cảm thấy may mắn bởi đã có những kỉ niệm đẹp đáng trân quý của tuổi thơ.

Với cách ra đề tích hợp đọc hiểu với nghị luận xã hội, thuận lợi lớn nhất là các em có thể khai thác được tư liệu cũng như dẫn chứng cho các đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ngay từ văn bản đọc hiểu cũng như những câu hỏi trước đó. Nắm vững cấu trúc 3 phần của đoạn văn nghị luận xã hội và có kiến thức thực tế, chắc chắn rằng em sẽ đạt được điểm số tốt cho bài thi nghị luận xã hội trong đề thi THPT Quốc gia.

Mọi thông tin xin mời liên hệ:

  • Sách CCBook – Đọc là đỗ
  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 024.3399.2266
  • Email: [email protected]

Nguồn: ccbook.vn

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: