Chữa đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh và TP. Biên Hòa

10/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Chữa đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh và TP. Biên Hòa

Trong số các môn tự nhiên thì môn Hóa học được đánh giá là một môn học khó. Tiếp nối chương trình Hóa học lớp 8, bước sang chương trình Hóa học lớp 9, các em sẽ tiếp tục được học những hợp chất vô cơ, bao gồm axit – bazo – muối. Sau đó là một số kim loại phổ biến: kim loại kiềm, kiềm thổ, sắt – nhôm – đồng,…

Xem thêm: 

Trong đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 các em sẽ bắt gặp tất cả những kiến thức trên dưới dạng các bài tập lý thuyết (viết phương trình hóa học, nhận biết lọ hóa chất mất nhãn, tìm cặp chất phản ứng/ không phản ứng với nhau, mô tả thí nghiệm). Về phần bài tập tính toán, các em sẽ làm một số bài tập liên quan đến phản ứng giữa kim loại với axit.

 Đề thi và đáp án đề Hóa học kì 1 tỉnh Bắc Ninh và thành phố Biên Hòa 2019

1, Hướng dẫn giải đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh

Câu 1: (3,0 điểm)

Em hãy nêu tính chất hóa học của sắt, viết phương trình hóa học minh họa

Câu 2: (3,0 điểm)

Có ba lọ không dán nhãn, mỗi lọ đựng một dung dịch chất sau: H2SO4, HCl, Ba(OH)2. Chỉ dùng thêm thuốc thử phenolphtalein để nhận biết chất đựng trong mỗi lọ. Viết các phương trình hóa học minh họa

Câu 3 đề thi học kì 1 lớp 9 môn hóa 2018 tỉnh Bắc Ninh: (2,0 điểm)

Cho các dung dịch FeSO4, Al2(SO4)3, MgSO4, AgNO3 và các kim loại Fe, Al, Cu, Ag. Theo em những cặp chất nào (kim loại và muối) phản ứng được với nhau. Viết phương trình hóa học minh họa

Câu 4: (3,0 điểm)

Hòa tan hoàn toàn 5,4 gam nhôm vào 500 ml dung dịch axit sunfuric 1M, sau phản ứng thu được dung dịch A và V lít khí ở điều kiện tiêu chuẩn

  1. a) Viết phương trình hóa học
  2. b) Tính V
  3. c) Tính nồng độ mol/ lít của các chất có trong dung dịch sau phản ứng

 Đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh

Đáp án chi tiết đề thi đề thi hóa 9 học kì 1 2018 tỉnh Bắc Ninh

Câu 1: Tính chất hóa học của sắt bao gồm

Tác dụng với phi kim: 3Fe + 2O2 -> Fe3O4

Tác dụng với dung dịch axit: Fe + 2HCl -> FeCl2 + H2

Tác dụng với dung dịch muối: Fe + CuSO4 -> FeSO4 + Cu

Câu 2 đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh:

Đầu tiên ta dùng thuốc thử phenolphtalein cho vào từng mẫu dung dịch. Mẫu dung dịch nào làm cho dung dịch phenolphtalein chuyển hồng thì đó là mẫu của dung dịch Ba(OH)2

Sau đó, ta dùng Ba(OH)2 để nhận biết 2 dung dịch axit còn lại. Cụ thể, ta rót dung dịch Ba(OH)2 vào từng mẫu dung dịch còn lại. Dung dịch nào sau phản ứng có kết tủa trắng thì đó là dung dịch axit sunfuric H2SO4

Phương trình hóa học: H2SO4 + Ba(OH)2 -> BaSO4 + 2H2O

Cuối cùng, dung dịch còn lại là axit clohidric (HCl)

Câu 3:

3FeSO4 + 2Al -> Al2(SO4)3 + 3Fe

2AgNO3 + Fe -> Fe (NO3)2 + 2Ag

2AgNO3 + Cu -> Cu (NO3)2 + 2Ag

3AgNO3 + Al -> Al (NO3)3 + 3Ag

Câu 4 đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh

  1. a) Phương trình hóa học: 2Al + 3H2SO4 -> Al2(SO4)3 + 2H2
  2. b) Số mol Al là: 5,4 : 27 = 0,2 mol

Số mol axit sunfuric là: 0,5 mol

Theo phương trình hóa học thì ta có nhôm sẽ phản ứng hết và axit sunfuric còn dư

Vậy số mol khí H2 sinh ra là 0,2 mol -> thể tích khí ở điều kiện tiêu chuẩn là 4,48 (l)

  1. c) Các chất có trong dung dịch sau phản ứng là

Axit sunfuric còn dư: 0,5 – 0,3 = 0,2 (mol) -> Nồng độ axit là: CM = n/ V = 0,2 : 0,5 = 0,4 (M)

Muối nhôm sunfat Al2(SO4)3 0,1 mol -> Nồng độ muối là CM = n/ V = 0,1 : 0,5 = 0,2 (M)

2, Hướng dẫn giải đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa

Câu 1 (2 điểm)

Dãy hoạt động hóa học của kim loại có ý nghĩa như thế nào?

Câu 2 (2 điểm)

Viết các phương trình hóa học để hoàn thành sơ đồ sau

FeCl2 -> Fe(OH)2 -> FeSO4 -> Fe -> Fe3O4

Câu 3 tổng hợp đề thi học kì 1 hóa 9 trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa (2 điểm)

Bằng phương pháp hóa học hãy nhận biết các dung dịch đựng trong bốn lọ mất nhãn sau: HCl, NaCl, NaNO3, NaOH. Viết phương trình hóa học nếu có

Câu 4 (1 điểm)

Hãy nêu hiện tượng của các thí nghiệm sau

a/ Cho dung dịch BaCl2 vào dung dịch Na2SO4

b/ Cho magie vào dung dịch H2SO4 loãng

Câu 5 (3 điểm)

Cho 15,9 gam Na2CO3 tác dụng vừa đủ với a gam dung dịch HCl có nồng độ 14,6%. Sau phản ứng thu được dung dịch muối và khí CO2

a/ Tính thể tích khí CO2 sinh ra ở đktc

b/ Tìm a

c/ Dẫn toàn bộ khí CO2 sinh ra đi vào lọ có chứa 75ml dung dịch NaOH 2M. Tính khối lượng muối thu được sau phản ứng.

 đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa

Đáp án chi tiết đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa

Câu 1 (2 điểm)

Dãy hoạt động hóa học của kim loại cho biết:

1/ Mức độ hoạt động hóa học của các kim loại giảm dần từ trái qua phải

2/ Kim loại đứng trước Mg phản ứng với nước ở điều kiện thường tạo thành kiềm và giải phóng khí H2

3/ Kim loại đứng trước H phản ứng với một số dung dịch axit (HCl, H2SO4 loãng) giải phóng khí hidro

4/ Kim loại đứng trước (trừ Na, K,…) đẩy kim loại đứng sau ra khỏi dung dịch muối

Câu 2 (2 điểm)

1: FeCl2 + Ba(OH)2 -> BaCl2 + Fe(OH)2   

2: Fe(OH)2 + H2SO4 -> FeSO+ 2H2O

3: FeSO4 + Mg -> MgSO4 + Fe

4: 3Fe + 2O2 -> Fe3O4

Câu 3 đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa (2 điểm)

Cho một mẩu Mg vào 4 mẫu của 4 dung dịch, phản ứng làm dung dịch nào xuất hiện khí thoát ra thì đó chính là HCl

Mg + 2HCl -> MgCl2 + H2

Cho dung dịch muối đồng clorua CuCl2 vào 3 mẫu của 3 dung dịch còn lại. Dung dịch nào tạo kết tủa màu xanh thì đó là NaOH

2NaOH + CuCl2 -> Cu(OH)2 + 2NaCl

Cho dung dịch AgNO3 vào 2 mẫu của 2 dung dịch còn lại. Dung dịch nào tạo kết tủa màu trắng thì đó là NaCl

NaCl + AgNO3 -> AgCl + NaNO3

Vậy dung dịch cuối cùng còn lại là NaNO3

Câu 4 (1 điểm)

Hãy nêu hiện tượng của các thí nghiệm sau

a/ Cho dung dịch BaCl2 vào dung dịch Na2SO4: Dung dịch dần dần tạo kết tủa trắng đục (bari sunfat BaSO4)

b/ Cho magie vào dung dịch H2SO4 loãng: Mảnh magie tan dần trong dung dịch, có khí khoog màu không mùi thoát ra (khí hidro)

Câu 5 đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa (3 điểm)

a/ Tính thể tích khí CO2 sinh ra ở đktc

Na2CO3 + 2HCl -> 2NaCl + H2O + CO2

Số mol là: 15,9 : 106 = 0,15 (mol)

Vì phản ứng xảy ra vừa đủ nên số mol CO2 sinh ra là 0,15 mol -> Thể tích CO2 sinh ra ở đktc là V = 22,4 . 0,15 = 3,36 (l)

b/ Tìm a

Vì phản ứng xảy ra vừa đủ nên số mol HCl phản ứng là 0,3 mol -> Số gam HCl phản ứng là: m = 36,5 . 0,3 = 10,95 (gam)

Số gam dung dịch HCl 14,6% là: a = 10,95 : 14,6% = 75 (gam)

c/ Dẫn toàn bộ khí CO2 sinh ra đi vào lọ có chứa 75ml dung dịch NaOH 2M. Tính khối lượng muối thu được sau phản ứng

Số mol NaOH là: n = CM . V = 2 . 0,075 = 0,15 (mol). Vì số mol NaOH và số mol CO2 bằng nhau nên ta có phản ứng hóa học

NaOH + CO2 -> NaHCO3

Vậy theo định luật bảo toàn khối lượng ta có khối lượng muối thu được sau phản ứng sẽ bằng tổng số gam NaOH và CO2 tham gia phản ứng và bằng: m = 0,15 (40+44) = 12,6 (gam)

Trên đây là tổng hợp đề thi học kì 1 môn hóa lớp 9 tỉnh Bắc Ninh và trường THCS Lê Quang Định – Biên Hòa. Đề thi môn Hóa được xây dựng với dạng đề tự luận 100%, gồm 4 -5 câu trong đó số câu lý thuyết chiếm khoảng 60% còn số câu bà tập là 40%. Các em cần ôn tập kĩ các chuyên đề axit – bazo – muối – kim loại, đặc biệt là những phản ứng hóa học đặc trưng để có thể làm được các bài tập trong đề thi học kì. Chúc em ôn tập tốt!

Mọi thông tin xin mời liên hệ:

  • CCBook – Đọc là đỗ
  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 024.3399.2266
  • Email: [email protected]

Nguồn: ccbook.vn

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: