-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Dàn ý chi tiết và văn mẫu Viếng lăng Bác ôn thi vào 10 ngữ văn
06/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toànViếng lăng Bác là một trong những văn bản trọng tâm trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020. Bởi lẽ năm 2020 là năm kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đây cũng là một tác phẩm đặc sắc cả về nội dụng và nghệ thuật. Dưới đây là dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích tác phẩm Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương
Viếng lăng Bác - Viễn Phương
1, Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
I/ Mở bài:
- Giới thiệu nhà thơ Viễn Phương, hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.
- Nhận định khái quát về bài thơ: Bài thơ là một nén hương thơm mà Viễn Phương thành kính dâng lên Bác Hồ kính yêu.
II/ Thân bài:
* Khái quát chung về bài thơ: Mạch cảm xúc, trình tự biểu cảm….
Phân tích Viếng lăng Bác khổ 1
Cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng (hình ảnh hàng tre)
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác.
- Câu thơ như một lời tâm sự, từ ngữ dung dị, tự nhiên, cách xưng hô thân mật, gần gũi, giọng điệu cảm xúc(như người con về thăm cha).
- Từ “con” thân thương vốn là cách xưng hô thông thường của đồng bào miền Nam. Cách xưng hô ấy với Bác càng không phải là mới lạ.
- Người không con mà có triệu con.
- Bác kêu con đến bên bàn
- Nhưng ở đây, từ “con” mang chất giọng ngọt ngào của người dân Nam Bộ, thái độ thành kính, gợi lên cảm xúc mãnh liệt. Ở nơi xa xôi cách trở ngàn trùng, những người con từ chiến trường miền Nam (bao năm bom đạn chiến tranh) nay trở về thăm Bác như thầm gọi Bác, nói với Bác rằng: “Bác ơi, con đã về thăm Bác đây, đồng bào miền Nam đã về thăm Bác đây”. Lúc sinh thời, một trong những tâm nguyện lớn nhất của bác là được thăm đồng bào miền Nam và đồng bào miền Nam được đón Bác “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.
Tố Hữu viết:
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà.
Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha.
Ước nguyện đó chưa thành thì Bác mất. Bởi vậy người dân miền Nam ra thăm Bác chứ không phải viếng Bác.
- Từ “thăm” thay cho từ “viếng”: kìm nén đau thương nói tránh - khẳng định Bác còn sống mãi.
- Ấn tượng đầu tiên sâu sắc về hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác vừa thực vừa tượng trưng.
Hàng tre:
+ Bát ngát, thẳng hàng (tả thực)
+ Xanh xanh Việt Nam (tượng trưng)
- Xung quanh lăng Bác trồng nhiều tre và trúc. Tre cũng là hình ảnh quen thuộc là biểu tượng của nhân dân Việt Nam.
Cây tre diệt giặc từ mấy ngàn năm trước trong truyền thuyết Thánh Gióng đến hình ảnh cây tre trong ca dao, trong văn Thép Mới: “Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp”. Cây tre góp phần làm nên dáng đứng Việt Nam.
Hình ảnh hàng tre thể hiện lòng tôn kính, trang nghiêm. Dường như dân tộc Việt Nam quần tụ quanh Bác. “Hàng tre” như gợi tả đội quân danh dự bên người.
- Hình ảnh hàng tre vừa tượng trưng vừa thực, gợi tả được sự giản dị, gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng.
Phân tích Viếng lăng Bác khổ 2
Cảm xúc trước hình ảnh dòng người vào viếng Bác và sự vĩ đại của Bác.
Ngày ngày mặt trời đi qua bên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
- Hình ảnh ẩn dụ: Mặt trời ánh sáng của sự sống vĩ đại lớn lao. Bác được ví như mặt trời soi đường chỉ lối cho dân tộc Việt Nam quét mù sương của những năm dài nô lệ, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, cho dân tộc. Hình ảnh đó thể hiện lòng tôn kính và biết ơn, đồng thời gợi nên sự cao cả vĩ đại, lớn lao:
“Bác sống như trời đất của ta…”.
Ngày ngày mặt trời: Thời gian theo dòng liên tục.
Ngày ngày dòng người: đi trong không gian đặc biệt thương nhớ.
- Bằng điệp từ “ngày ngày”, nhà thơ đã đúc kết một sự thực cảm động diễn ra ngày này qua ngày khác. Biết bao dòng người với nỗi tiếc thương vô hạn cứ lặng lẽ lần lượt vào lăng viếng Bác.
- Câu thơ sâu lắng có âm điệu kéo dài như diễn tả dòng người vô tận, khái quát được thật sâu sắc tình cảm sâu nặng của nhà thơ với Bác Hồ.
- 79 mùa xuân, cũng là hình ảnh ẩn dụ (khi mất, Bác 79 tuổi).
Phân tích Viếng lăng Bác khổ 3
Khi đến trước linh cữu Bác, suy nghĩ về sự bất tử của Bác và nỗi tiếc thương vô hạn.
Bên Bác, nhà thơ ở trong trạng thái cảm xúc say sưa ngây ngất, gần gũi, thân thương - niềm rung động sâu sắc khi lần đầu tiên đến bên Bác.
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
“Trời xanh” cũng là hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng bất diệt của Bác Hồ - Người đã ra đi nhưng lý tưởng sự nghiệp của Người vẫn còn mãi.
- Cụm từ “vẫn biết >< mà sao” dùng như một sự đối lập. Đó là sự mâu thuẫn giữa lý trí (biết rằng hình ảnh Bác vẫn còn sống mãi, cũng như lý tưởng cao quý của Người) và tình cảm (đau đớn, xót xa khi nhận thức được thực tại).
Những hình ảnh: mặt trời, vầng trăng, trời xanh là biểu tượng của thiên nhiên trường tồn, vĩnh cửu, bất diệt được ví với Bác. Bác như hoá thân vào non sông xứ sở, Bác trường tồn mãi mãi, vĩ đại, lớn lao ngang tầm trời đất.
Phân tích Viếng lăng Bác khổ 4
Khát vọng của nhà thơ được ở mãi bên lăng Bác.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác.
- Nhịp thơ dàn trải, điệp từ “muốn làm” được lặp lại 3 lần gợi cảm xúc bâng khuâng, xốn xang, lưu luyến, không muốn rời xa Bác, như muốn hoá thân vào thiên nhiên xứ sở quanh lăng Bác để được gần Bác, dâng lên bác niềm tôn kính. Lời tâm nguyện chân thành tha thiết, thể hiện cảm xúc lưu luyến, trào dâng không muốn rời xa.
Hàng tre (khổ 1): Biểu tượng dân tộc Việt Nam kiên cường bất khuất.
Cây tre (khổ 4): Tấm lòng trung hiếu của tác giả, của đồng bào miền Nam đối với Bác, nhân dân miền Nam đối với Bác.
Đánh giá chung về nghệ thuật:
- Bài thơ có giọng điệu phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc vừa trang nghiêm sâu lắng vừa tha thiết, đau xót, tự hào, thể hiện tâm trạng xúc động của nhà thơ vào lăng viếng Bác.
- Thể thơ tám chữ có dòng bảy chữ gieo vần lưng. Khổ thơ không cố định có khi liền khi cách nhịp. Nhịp thơ chậm, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính, lắng đọng. Hình ảnh thơ sáng tạo, có nhiều biện pháp nghệ thuật: ẩn dụ, tượng trưng.
=> Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người khi vào lăng viếng Bác.
III/ Kết bài: Giá trị, ý nghĩa của bài thơ
2, Bài văn mẫu phân tích Viếng lăng Bác của Viễn Phương
“Bác Hồ, Người là tinh yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt một đời vì nước, vì dân hi sinh thân mình. Biết bao nhiêu ngòi bút viết hết được cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ vĩ đại? Sự ra đi của Người là một niềm tiếc thương vô hạn trong triệu triệu trái tim người Việt Nam. “Viếng lăng Bác” là một trong những bài thơ hay của Viễn Phương viết về tình cảm của ông cũng như bao chiến sĩ, nhân dân miền Nam chưa được gặp Bác Hồ trước lúc người ra đi mãi mãi.
Mở đầu bài thơ Viếng lăng Bác là tiếng lòng tha thiết của một người con từ miền Nam ra Bắc vào lăng viếng Bác:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”
Đọc câu thơ đầu tiên, người đọc cảm nhận được một sự trào dâng xúc động dường như đã được dồn nén bấy lâu của nhà thơ. Đó là tình cảm rất đỗi chân thành của một người con miền nam đối với vị cha già của dân tộc. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng máu thịt. Trong giây phút xúc động ngẹn ngào ấy, hình ảnh “hàng tre bát ngát” trong sương sớm hiện lên thật đẹp khiến nhà thơ phải thốt lên:
“Ôi hàng tre, xanh xanh Việt Nam
Giông tố mưa sa đứng thẳng hàng”
Hàng tre đã “bát ngát” lại còn “xanh xanh”. Nhà thơ đã rất khéo léo khi sử dụng cặp từ láy này, khiến cho hàng tre như hiện lên trước mắt người đọc có một màu xanh ngắt, trải dài bất tận trước một không gian quảng trường rộng lớn. Hàng tre xanh ấy vẫn luôn hiên ngang “đứng thẳng hàng” trước bao “giông tố mưa sa”. Tre hiện lên trong bài thơ cũng giống như hình ảnh con người Việt Nam anh hùng bất khuất vậy. Dù có gặp bao khó khăn, hiểm nguy, gian khó, con người Việt Nam vẫn hăng say lao động, hiên ngang, yêu nước và sẵn sàng chiến đấu quên mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Hình ảnh tre bước vào thơ Việt Nam nhiều lắm. Và hầu như ở đâu, tre cũng là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của nhân dân đất Việt. Trong “Tre Việt Nam” của nhà văn Thép Mới cũng vậy “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”.
Nguồn cảm hứng của nhà thơ trào dâng mãnh liệt hơn, trong khổ thơ thứ hai bài Viếng lăng Bác ông liên tưởng hình ảnh Bác như mặt trời vĩ đại:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
Với niềm tiếc thương vô hạn và biết ơn sâu sắc, đứng giữa quảng trường Ba Đình, nhà thơ thấy một mặt trời đi qua trên lăng, đó là mặt trời của thiên nhiên. Còn nhìn vào bên trong lăng, vẫn có một mặt trời đỏ rực là trái tim Bác Hồ. Trái tim ấy đã dành trọn một đời cho cuộc cách mạng dân tộc, yêu nước thương dân. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” thật đẹp. Bởi trái đất này làm sao có thể tổn tại nếu không có mặt trời. Nó cũng giống như đất nước Việt Nam nhờ có Bác mới có cuộc sống độc lập tự do như ngày hôm nay. Bác đem lại cho nhân dân, cho đất nước một cuộc sống mới hạnh phúc, tự do. Điệp từ “ngày ngày” được lặp lại hai lần trong bài thơ Viếng lăng Bác như nhắc nhở rằng, mặt trời của thiên nhiên luôn luôn sáng lên mỗi ngày theo một quy luật thì tình cảm của con dân Việt Nam dành cho Bác cũng trường tồn mãi mãi. Dòng người hàng ngày vẫn xếp hàng vào lăng được nhà thơ liên tưởng đến “tràng hoa” thành kính dâng lên viếng Bác. Đó thực sự là một hình ảnh ẩn dụ so sánh đặc sắc. Nhà thơ không nói Bác bảy mươi chín tuổi, mà thay vào đó ông nói “bảy mươi chín mùa xuân”. Cách ví von so ánh giàu sức gợi, bởi lẽ bảy mươi chín năm qua của Người hi sinh cho dân tộc Việt Nam, bảy mươi chín năm của Người là bảy mươi chín mùa xuân mang đến những bông hoa đẹp đẽ, tỏa ngát hương thơm và rực rỡ nhất.
Sau bảy mươi chín năm “trọn một đời Bác có ngủ yên đâu” thì giờ Người được nằm trong lăng với giấc ngủ bình yên:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
Nhà thơ Viễn Phương đã mượn “vầng trăng sáng dịu hiền” để canh giấc cho Bác được “ngủ bình yên”. Hình ảnh vầng trăng sáng trong bài thơ Viếng lăng Bác thật đẹp đẽ, và chỉ có vầng trăng sáng kia mới có để xứng tầm với một Người có nhân cách vĩ đại như chủ tịch Hồ Chí Minh. Lặng nhìn giấc ngủ bình yên nơi di hài Bác, nhà thơ vẫn không sao kìm nén được niềm xúc động, nỗi đau khi nhìn về sự thật rằng Người đã ra đi. Nhà thơ dùng hình ảnh “ trời xanh là mãi mãi” một cách tinh tế để kìm nén lại sự mất mát lớn lao này nhưng vẫn thấy “nhói ở trong tim”. Cụm từ “nhói ở trong tim” nghe thật xót xa, nó như một mũi kim đâm vào trái tim tác giả gây đau đớn. Nỗi đau ấy nó âm thầm nhưng thể hiện sự tiếc nuối vô hạn đối với vị lãnh tụ, vị cha già kính yêu.
Từ sự tiếc nuối, đau đớn vô hạn trước sự ra đi của Hồ chủ tịch, nhà thơ không thể kìm nén nổi nỗi đau trong tim mình nữa mà bỗng òa lên:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Mai về miền nam nhớ Bác khôn nguôi
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Nhà thơ tưởng tượng trở về miền Nam sau ngày vào Viếng lăng Bác, tình yêu và nỗi đau của nhà thơ vẫn đau đáu, xót xa đến “tuôn trào nước mắt”, “nhớ Bác khôn nguôi”. Nỗi đau ấy đã biến thành những mong ước thật nhỏ nhoi của nhà thơ “muốn làm con chim” “muốn làm đóa hoa” “muốn làm cây tre” để hàng ngày ở trên lăng được gần Bác hơn, được hót cho Bác nghe mỗi sớm mai, được tỏa hương thơm ngát. Điệp từ “muốn làm” được lặp lại ba lần như muốn nhấn mạnh tình cảm sâu nặng, kính yêu của nhà thơ cũng như tấm lòng son sắt, thủy chung của triệu triệu đồng bào miền nam đối với Bác Hồ kính yêu.
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã thể hiện nỗi xót xa, sự kính yêu cùng tình cảm dồn nén bây lâu của người con miền nam về lăng viếng Bác. Đọc bài thơ, người đọc như được theo chân nhà thơ vào lăng viếng Bác. Đúng như ai đó đã từng nhận xét, bài thơ là “một nén hương trầm thơm ngát thành kính dâng lên Bác”, để lại trong trái tim người đọc nhiều dư vang sâu lắng.
XEM THÊM
Dàn ý chi tiết phân tích Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê
3 đề thi thử vào 10 môn văn hải phòng có đáp án: Hồng Bàng, Trần Phú, Chu Văn An
Đề thi thử lớp 10 môn Văn 2020 tỉnh Đồng Nai - đã cập nhật đáp án chi tiết
Đề thi vào 10 môn văn : Bộ 5 đề thi chuẩn cấu trúc - có lời giải
3 đề thi thử vào 10 môn toán Hà Nội 2020 có đáp án chi tiết
Đáp án đề tuyển sinh vào 10 môn tiếng anh 2019 - Hà Nội
Mới! CC Thần tốc luyện đề 2022 giải pháp giúp sĩ tử TĂNG ĐIỂM CHẮC CHẮN TRONG THỜI GIAN NGẮN (12/01/2022)
Đột phá 8+ phiên bản mới nhất có gì khác biệt so với phiên bản cũ? (21/08/2021)
Giới thiệu bộ sách Đột phá 8+ phiên bản mới dành riêng cho 2K4 (03/08/2021)
Đề thi và đáp án đề thi THPT Quốc gia 2021 môn GDCD (08/07/2021)