Dàn ý chung cho các bài văn nghị luận văn học dạng so sánh 2 tác phẩm

29/04/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Dàn ý chung cho các bài văn nghị luận văn học dạng so sánh 2 tác phẩm

Trong các đề thi môn Ngữ văn, câu hỏi chiếm số điểm lớn nhất (từ 5 cho đến 7 điểm), đó chính là nghị luận văn học. Có nhiều các bài văn nghị luận văn học như: dạng phân tích tác phẩm văn học, có thể là một tác phẩm hoàn chỉnh hoặc một đoạn văn, đoạn thơ nhất định; dạng phân tích hình tượng văn học (nhân vật, hình ảnh, tình huống truyện,…). Và cuối cùng, dạng bài khó nhất đó chính là so sánh 2 tác phẩm với nhau. Dưới đây là hướng dẫn xây dựng dàn ý chung cho các bài văn nghị luận văn học dạng so sánh 2 tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12

Văn mẫu 12: Viết bài nghị luận văn học Sóng của Xuân Quỳnh chi tiết từng khổ

Tây Tiến Văn 12 - Tổng hợp đề nghị luận văn học thường gặp

Thế nào là một bài văn nghị luận văn học so sánh 2 tác phẩm?

Định nghĩa

So sánh 2 tác phẩm là thao tác dùng các đặc điểm một đối tượng để làm nổi bật đặc điểm của một đối tượng khác (có những nét tương đồng). Trong dạng đề so sánh văn học, hai đối tượng được so sánh sẽ được đặt trong mối tương quan ngang bằng, cả hai có chức năng như nhau

Đối tượng so sánh có thể là một đoạn trong tác phẩm. Ví dụ so sánh đoạn mở đầu/ đoạn kết thúc của hai tác phẩm. Hoặc hai hình ảnh có tính tương đồng (ví dụ cảnh chiều tà, cảnh bình minh,...). Ngoài ra so sánh hai nhân vật cũng được xếp vào dạng bài này

Phân biệt với dạng đề liên hệ văn học

Còn với dạng đề liên hệ, chúng ta phải xác định đâu là đối tượng chính, đâu là đối tượng phụ. Trong các dạng đề nghị luận văn học lớp 12 thì đây là dạng văn khó nhất. Nó không chỉ đòi hỏi học sinh phải nắm vững và phân tích được văn bản mà còn hiểu sâu và tiến hành phân tích so sánh dược chung với nhau.

Trong văn học, khi đi phân tích, bình giảng những đoạn thơ, đoạn văn, chi tiết nghệ thuật, nhân vật, hành động kịch,… chúng ta đều có thể sử dụng thao tác liên hệ để tạo ra chiều sâu cho tác phẩm. Ví dụ như, khi phân tích hai khổ thơ 3 và 4 của bài thơ “Sóng”, chúng ta có thể có rất nhiều ngữ liệu để liên hệ

4 bước làm các bài văn nghị luận văn học dạng đề so sánh 2 tác phẩm

Khi tiếp cận và xử lí các bài văn nghị luận văn học thuộc dạng bài so sánh 2 tác phẩm, các em cần tuân thủ 4 bước làm bài như sau

Bước 1: Phân tích đề.

Các em lấy bút gạch ra những từ khóa trong đề bài để xác định chính xác đối tượng chính và đối tượng liên hệ mà đề bài yêu cầu. Sau đó, nhanh chóng khoanh vùng kiến thức (đối tượng nằm ở phần nào của tác phẩm, nói về điều gì) để hình dung được ý đồ của người ra đề và tìm ý đúng, trúng. Đồng thời, xác định những yêu cầu cần thực hiện của đề bài

Bước 2: Viết mở bài

Nêu lên vấn đề: Cố gắng tìm ra những điểm chung của các đối tượng để dẫn dắt), giới thiệu tập trung vào đối tượng chính. Các em có thể áp dụng các cách mở bài chung cho nghị luận văn học sau đó thêm những điểm chung của các đối tượng vào cuối cùng để dẫn dắt sang phần thân bài

Bước 3: Viết thân bài

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm của hai đối tượng
  • Giới thiệu vấn đề được đặt ra từ các đối tượng văn học
  • Làm rõ đối tượng thứ nhất
  • Liên hệ với đối tượng thứ hai để làm nổi bật yêu cầu đề bài
  • Chỉ ra và lí giải sự giống và khác giữa các đối tượng để làm nổi bật đối tượng chính (hoặc yêu cầu của đề bài).
  • Nếu có những vấn đề được đặt ra từ các đối tượng văn học thì cần làm sáng tỏ qua việc soi chiếu vấn đề ấy vào đối tượng

Bước 4: Viết kết bài

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật, khẳng định lại vấn đề

Chữa dàn ý các bài văn nghị luận văn học dạng đề liên hệ văn học

Phân tích đoạn kết của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ đó liên hệ với đoạn kết truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao để nhận xét về đặc sắc trong cách viết của hai tác giả.

a) Vài nét về tác giả, tác phẩm

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại với hàng loạt những vở kịch gây chấn động dư luận. Tác phẩm là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của ông. Vở kịch sáng tác năm 1981, đến năm 1984 mới ra mắt công chúng. Đoạn trích nằm ở cảnh VII và màn kết của tác phẩm.

b) Phân tích đoạn kết của vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Khung cảnh hạnh phúc, sum vầy ấm áp: “cu Tị đang ôm chầm lấy mẹ, chị Lụa cuống quýt vuốt ve, hai đứa trẻ ăn chung trái na.

Trương Ba trở về “giữa màu xanh cây lá trong vườn”; ông nói với vợ: “Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ...Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu...

Khi Trương Ba không còn sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo ” nữa lại là lúc ông được sống trong sự gần gũi, trong tình thương yêu của người thân.

Cái Gái gieo hạt na xuống và nói: “Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…”. Điều này thể hiện ý nghĩa: Những hành động, những lời nói tốt đẹp như của Trương Ba sẽ có tác dụng giáo dục lâu dài cho những thế hệ sau và những điều tốt lành ấy sẽ được tiếp nối, phát huy như một giá trị vĩnh hằng của đời sống.

c) Đánh giá

Đoạn kết đã truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực. Từ đó gieo một niềm tin rằng những con người cao quý như ông vẫn có mặt đâu đó giữa cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Góp phần tạo nên chất thơ sâu lắng cho vở kịch: mang không khí ấm áp, toát lên niềm vui của sự đoàn tụ, tiếp nối; đem lại âm hưởng thanh thoát, lạc quan cho vở kịch.

d) Liên hệ so sánh các bài văn nghị luận văn học trong đề bài: Hồn Trương Ba, da hàng thịt và Chí Phèo.

Giống:

  • Đều là những kết thúc mở, khơi gợi nhiều ý nghĩa sâu sắc.
  • Đóng vai trò hoàn kết số phận của nhân vật, tô đậm một phương diện nào đó của nhân vật.
  • Gắn với những hình ảnh/ chi tiết giàu sức gợi.

Khác:

HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT

  • Góp phần tô đậm ý nghĩa của nhân vật Trương Ba.
  • Kết cục theo chiều hướng tích cực, đem lại chiều sâu triết lí nhân sinh cho tác phẩm.
  • Là kết thúc sáng tạo của tác giả so với cốt truyện dân gian.

CHÍ PHÈO

  • Góp phần tô đậm bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật.
  • Kết cục theo chiều hướng tiêu cực, gợi mở sự bế tắc trong số phận người nông dân.
  • Gắn với kết cấu vòng tròn độc đáo.

Nhìn chung, trong số các bài văn nghị luận văn học trong chương trình Ngữ văn THPT, dạng bài liên hệ văn học đòi hỏi học sinh phải có được một nền tảng kiến thức tương đối vững vàng. Từ đó áp dụng đúng các bước trong dàn ý 4 bước phía trên, chắc chắn rằng dạng bài này sẽ không còn là khó khăn với các em học sinh nữa.

 

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: