Cảm nhận hình tượng người lính bài Tây Tiến - Dàn ý và bài viết mẫu

11/05/2021 Đăng bởi: Công ty cổ phần CCGroup toàn cầu
Cảm nhận hình tượng người lính bài Tây Tiến - Dàn ý và bài viết mẫu

Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng lên một bức tượng đài uy nghi, sừng sững về những người lính cách mạng vừa chân thực, vừa có sức khái quát đại điện cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng tham khảo dàn ý chi tiết và bài viết mẫu cảm nhận hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến qua bài viết dưới đây.

 

Xem thêm: 

Dàn ý bài Tây Tiến 2 khổ cuối

 

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh mùa lá dữ vai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Khổ thơ đã khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến trong khắc nghiệt, gian khổ trên chặng đường hành quân. Sau những giờ hành quân nhọc nhằn, người lính Tây Tiến tìm về nét tính cách hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn, tìm về vầng sáng lung linh trong ký ức - những thiếu nữ Hà Thành.

Phân tích về hình tượng người lính trong bài Tây Tiến 

Vẻ đẹp ngoại hình dữ dội, lẫm liệt của người lính Tây Tiến.

 

* Vẻ đẹp ngoại hình dữ dội, lẫm liệt:

+ Hình ảnh:

- “Đoàn binh không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”: vừa thực tả những gian khổ, nghiệt ngã nơi chiến trường mà người lĩnh phải trải qua; vừa thể hiện sự chủ động, ngang tàng của họ.

- “Mắt trừng”: lòng căm thù giặc; sự oai phong, lẫm liệt của anh hùng thời loạn.

+ Từ ngữ “dữ oai hùm”: những người lính Tây Tiến hùng dũng, hiên ngang như vị chúa tể rừng xanh.

- Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa: nhớ về những thiếu nữ Hà thành duyên dáng.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Sự hi sinh bi tráng của những người lính Tây Tiến đã “làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm”. Chính những kỉ niệm ấy khiến cho những người lính sẽ không thể nguôi quên quãng thời gian đã từng gắn bó.

* Vẻ đẹp bi tráng:

+ Hình ảnh: những nấm mồ lạnh lẽo. Đây chính là hiện thực cuộc chiến và sự hi sinh.

+ Tâm thế: chẳng tiếc đời xanh, không né tránh cái chết, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất cho đất nước.

+ Từ ngữ:

- “Biên cương”, “viễn xứ”, “chiến trường”, “độc hành”: những từ Hán Việt tạo âm điệu trang trọng khiến cho những cái chết trở nên thiêng liêng.

- “Áo bào”, “về đất”: tráng lệ hóa sự hi sinh, làm cho câu thơ bi mà không lụy, giảm bớt sắc thái đau buồn.

- “Khúc độc hành”: Khúc nhạc thiêng liêng mà con sông nhân chứng cất lên để tiễn đưa người lính về với đất mẹ.

- Tình cảm gắn bó với núi rừng Tây Tiến: hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Bài viết mẫu cảm nhận hình tượng người lính bài Tây Tiến

 

Dưới đây là một bài viết cảm nhận về bài thơ Tây Tiến - hình tượng người lính hay; nhận được nhiều lời khen của các thầy cô giáo bởi tính đủ ý, sáng tạo và hấp dẫn. Các em hãy cùng tham khảo nhé:

Từ trải nghiệm của cuộc đời chiến sĩ trong khói lửa, đạn bom, Quang Dũng đã dựng lên một bức tượng đài uy nghi, sừng sững về những chàng trai Hà Nội mang gươm đi giữ nước: anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, lãng mạn, yêu đời trong cuộc sống nhọc nhằn.

Sống hào hoa và chết hào hùng. Đó là vẻ đẹp sáng mãi của đoàn quân Tây Tiến. Chính những vẻ đẹp, những nghĩa tình ấy khiến cho người lính dù về xuôi vẫn luôn khắc nhớ Tây Tiến như một kỉ niệm của một thời hi sinh nhưng hào sảng.

Quan Dũng không hề che giấu những khó khăn, gian khổ và hiện thực nghiệt ngã mà người lính phải chịu đựng. Tuy nhiên, sự thật ấy không được miêu tả trần trụi, khô cứng mà thông qua cái nhìn lãng mạn, thi vị:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

 

Bài viết mẫu cảm nhận về hình tượng người lính bài Tây Tiến 

Những chàng trai với cái đầu “không mọc tóc”, với nước da ngăn ngắt xanh đâu phải sản phẩm của trí tưởng tượng để tạo nên sự li kì.

 

Người lính Tây Tiến hiện lên với một vẻ đẹp ngoại hình dữ dội, lẫm liệt. Những chàng trai với cái đầu “không mọc tóc”, với nước da ngăn ngắt xanh đâu phải sản phẩm của trí tưởng tượng để tạo nên sự li kì. Đó là hiện thực của những năm tháng không thể nào quên. Có thể, do người lính chủ động cạo trọc để thuận tiện khi đánh nhau với giặc, có thể do ốm đau, bệnh tật khiến các anh rụng tóc, trụi đầu. Cách dùng từ độc đáo đã đảo thế bị động thành thế chủ động như một nhà phê bình đã viết: “Không phải là các anh không thể mọc tóc mà dường như không thèm mọc tóc”. Chất ngang tàng, kiêu dũng, xem thường gian lao của người chiến binh đã được thể hiện từ những chi tiết đời thường như thế. Nét quân phục người chiến sĩ hay màu xanh của những vòm lá ngụy trang hay màu xanh vì căn bệnh sốt rét rừng hằn in trên làn da đoàn quân Tây Tiến như một nhà thơ từng viết:

“Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật

Đâu còn tươi nữa những ngày qua”

Dù đầu rụng hết tóc, da dẻ xanh xao vàng vọt lên màu bệnh tật nhưng lính Tây Tiến vẫn giữ được vẻ uy nghi lẫm liệt như hùm hổ chốn rừng thiêng, như chúa tể sơn lâm “dữ oai hùm”. Bao nhiêu sức mạnh nội lực, vẻ can trường của người lính như dồn nén vào câu chữ để tôn lên sức mạnh kì diệu của con người bắt nguồn từ lòng yêu nước đang rần rật chảy trong từng đường gân, thớ thịt của những chàng trai Hà thành. Quang Dũng đã phát huy triệt để hiệu quả của biện pháp đối lập giữa vẻ bề ngoài và nội tâm, nhìn vẻ ngoài người lính vừa tiều tụy, vừa can trường, vừa mang khí phách của một hiệp sĩ, vừa như những người khổng lồ không có trái tim. Thế nhưng đó chỉ là lớp vỏ bao bọc hạt ngọc tâm hồn - tâm hồn hào hoa, lịch lãm, lãng mạn và giàu đức hi sinh:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Ánh “mắt trừng” chứa đầy cảm xúc, đầy nội tâm. Phải chăng đó là ánh mắt căm phẫn, uất nghẹn như muốn nuốt chửng kẻ thù xâm lăng, cũng có thể là ánh mắt đau đáu hướng về quê hương, ánh mắt bồn chồn, thao thức thăm thẳm suy tư nặng trĩu nỗi niềm. Đằng sau ánh mắt ấy là cả một niềm khao khát, mang theo giấc mộng chiến thắng, hứa hẹn ngày trở về, đôi khi giữa ánh mắt xa xăm, rạo rực, khắc khoải xen lẫn giấc mơ về Hà Nội, nhớ Hà Nội - dải đất thiêng ngàn năm văn hiến, nhớ Hà Nội bởi:

“Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”

(Ngày về - Chính Hữu)

Những ai đã từng sống và gắn bó với Hà Nội khi đi xa đều vương một nỗi buồn, đều mang theo một nỗi nhớ; nhớ phố cổ thâm nghiêm, nhớ lá vàng rơi trên vai người thiếu nữ, lá vàng đậu trên rèm cửa. Ai đó lại xao xác tâm hồn bởi tiếng rao đêm hay Nguyễn Đình Thi nhớ nhiều và thật nhiều “mùi hương cốm mới” mỗi độ thu về. Còn người lính Tây Tiến xa Hà Nội mang theo “dáng kiều thơm”. Một cách cảm nhận thật nho nhã, lịch lãm, nỗi nhớ trở nên vời vợi hơn, đằm thắm, ngọt ngào, da diết hơn. Dáng kiều thơm - bóng dáng của những người thiếu nữ Hà thành dịu dàng trong tà áo dài duyên dáng bên Tây Hồ. Phải chăng đó là bóng hồng, bóng liễu đã một thời để nhớ, để thương. Vì thế mà nỗi nhớ còn đượm mùi sách vở, tôn lên vẻ lịch lãm của người Hà Nội. Đây không phải là cái “mộng rơi mộng rớt” của những trí thức tiểu tư sản mà là vẻ đẹp tâm hồn rất hào hoa, lịch lãm, lãng mạn của những chàng trai “xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ Quốc”. Khổ thơ đã khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến trong khắc nghiệt, gian khổ trên chặng đường hành quân. Sau những giờ hành quân nhọc nhằn, người lính Tây Tiến tìm về nét tính cách hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn, tìm về vầng sáng lung linh trong kí ức - những thiếu nữ Hà thành.

 

Cảm nhận về người lính bài Tây Tiến 

Ngòi bút Quang Dũng không chỉ hướng về vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa mà còn tập trung thể hiện chất hào hùng, bi tráng.

 

Trong bài Tây Tiến, ngòi bút Quang Dũng không chỉ hướng về vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa mà còn tập trung thể hiện chất hào hùng, bi tráng:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay áo anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Giọng thơ bỗng nhiên lắng xuống da diết hơn, đắm sâu vào cõi lòng người đọc, dấy lên nỗi mất mát tang tóc đau thương được dồn nén trong từ “rải rác”. Thật vậy! Trên những chặng đường hành quân bao đồng chí, đồng đội của Quang Dũng ngã xuống, gửi thân xác mình nơi khe suối sườn đèo, cứ thế nỗi đau triền miên, nỗi đau này chưa vơi, nước mắt này chưa ráo thì nỗi đau khác đã tới cọ cứa vào trái tim những người còn sống. Một loạt những từ Hán Việt: “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ” được sử dụng để trang trọng hóa, cổ kính, vĩnh hằng và bất tử hóa đức hi sinh của người lính Tây Tiến. Có biết đâu những nấm mồ xanh cỏ, nơi ải nước xa xôi, hoang vu, lạnh lẽo mãi trở thành một chí tôn nghiêm mà đời đời Tổ quốc ca ngợi, ngưỡng vọng. Người xưa có câu: “Cổ lai chinh chiến kí người hồi - Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về”. Đó là hiện thực tất yếu từ ngàn đời nay, đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh nối tiếp trang sử truyền thống cha ông càng không thể làm ngơ trước họa xâm lăng. Lính Tây Tiến cũng vậy. Họ sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Họ nằm xuống nhưng không mất đi mà hóa thành hồn thiêng sông núi để muôn đời với dân tộc Việt anh hùng. Người chiến sĩ Tây Tiến đã “sống giản dị, chết bình tâm”, hiên ngang và cao thượng như lời thơ Thanh Thảo viết:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình “

(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi

Thì còn chi Tổ quốc”

Hai câu thơ khép lại một lần nữa tô đậm đức hi sinh của những chàng trai đất Hà thành được Quang Dũng thể hiện qua âm hưởng thơ trầm hùng, bi tráng:

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Quang Dũng đã có lần tâm sự: “Lính Tây Tiến ngã xuống, manh chiếu không đủ che thân, đồng chí, đồng đội vào những bản làng xa xôi để xin chiếu, khi hiểu rõ mục đích của việc sử dụng chiếu, già làng không cầm được nước mắt, họ cùng nhau đan những phên nứa cho các anh bó gối thi hài đồng đội”. Vậy là “áo bào” được lý tưởng hóa - một hình ảnh tượng trưng để xua đi cái bi thương, bi lụy, lấy lại cái bi hùng, tráng lệ, đồng thời để trang trọng, vĩnh hằng, bất tử hóa. Áo bào vốn được dùng cho vua chúa xưa để khơi gợi con người mang trong mình lí tưởng đẹp. Trong những năm bom rơi đạn nổ, chất lãng mạn, bay bổng vượt lên trên hết thảy trở thành nơi trú ngụ của những tâm hồn đẹp. Vậy nên hình ảnh “áo bào” trong câu thơ như một liều thuốc xoa dịu đi những nỗi đớn đau, an ủi vong hồn người đã khuất. Lính Tây Tiến về với đất mẹ, đất mẹ sinh ra anh, đất cũng mở rộng vòng tay đón các anh về trong tình yêu thương, đùm bọc, nâng đỡ và sẻ chia. Cho dù khâm liệm bằng manh chiếu, phên nứa nhưng các anh sẽ được sưởi ấm bằng chính tình yêu của mảnh đất mà: “Mẹ Âu Cơ đã đi một vòng Trái Đật - Và chọn hình tia chớp để sinh con” (Trần Mạnh Hảo). Quang Dũng đã khơi gợi những tình cảm sâu xa đến tận đáy lòng người đọc để thấm thía hơn hình ảnh những người con đã hi sinh hóa hình Tổ Quốc.

Bài Tây Tiến là một trong những tác phẩm xuất sắc của Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp. Với cảm hứng lãng mạn bay bổng và tinh thần bi tráng, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh những người lính yêu nước, yêu đời, hào hoa, anh dũng. Với tác phẩm “Tây Tiến”, tác giả đã góp vào viện bảo tàng người chiến sĩ Việt Nam một bức chân dung đẹp và độc đáo.

Cảm nhận hình tượng người lính bài Tây Tiến-1

Trên đây là dàn ý chi tiết và bài viết mẫu cảm nhận hình tượng người lính bài Tây Tiến, nội dung được trích từ “Đột phá 8+ môn Ngữ văn” - cuốn tài liệu tham khảo do thương hiệu CCBook và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp biên soạn và phát hành. Để nhận được tư vấn chi tiết về cuốn sách này, mời bạn đọc liên hệ với chúng tôi theo thông tin cuối bài viết.

Mọi thông tin xin mời liên hệ:

  • Sách CCBook – Đọc là đỗ
  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 024.3399.2266
  • Email: [email protected]

Nguồn: CCBook.vn

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: