Tài liệu ôn toàn bộ chương Quy luật di truyền Sinh 12 chỉ trong 5 phút

04/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Tài liệu ôn toàn bộ chương Quy luật di truyền Sinh 12 chỉ trong 5 phút

Trong khung kiến thức môn Sinh học, chương trình Sinh học lớp 12 chiếm tỉ trọng 90% với một khối lượng lớn kiến thức thuộc chuyên đề Quy luật di truyền.

Dưới đây là phần tổng hợp lại toàn bộ kiến thức sinh học 12 chuyên đề Quy luật Di truyền. Chúng ta sẽ đi lần lượt từ các khái niệm – kí hiệu về quy luật di truyền; Quy luật phân li, Gen đa hiệu – Tương tác gen và cuối cùng là Liên kết gen.

Tổng hợp lý thuyết Sinh 12 phần di truyền học em cần nắm vững

1, Chuyên đề Quy luật di truyền - Phần 1: Các khái niệm – kí hiệu về quy luật di truyền

 

1. a) Các kí hiệu

P: cặp bố mẹ

F1, F2: đời con thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai

Fa: kết quả phép lai phân tích

Cơ thể cái: ♀

Cơ thể đực: ♂

Phép lai: x

Ví dụ: P: ♀ AA x ♂ Aa

F1: 1 AA : 1 Aa

2. b) Các khái niệm căn bản về quy luật di truyền 

Tính trạng: là những đặc điểm về hình thái, cấu tạo, sinh lí của một cơ thể để phân biệt cơ thể này với cơ thể khác

Ví dụ: tính trạng chiều cao cây, tính trạng màu hoa, tính trạng nhóm máu,…

Alen: các trạng thái khác nhau của cùng một gen

Cặp alen: hai alen giống hoặc khác nhau của cùng 1 gen trên cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở sinh vật lưỡng bội

Locut: vị trí mang gen trên nhiễm sắc thể

 

Vị trí của locus (locut) trên một sợi nhiễm sắc thể

Kiểu gen: tập hợp các gen nằm trong nhân tế bào (thực tế kiểu gen chỉ nói một vài cặp gen đang nghiên cứu)

Kiểu gen đồng hợp: là cá thể mang các alen giống nhau của cùng 1 gen. Ví dụ: AABBDDee, aabbdd

Kiểu gen dị hợp: là cá thể mang các alen khác nhau của cùng 1 gen. Ví dụ: AABbDd, AABBDDEe

Kiểu hình: Là toàn bộ tính trạng, đặc tính của cơ thể. Ví dụ: cây thân cao – hoa đỏ, ruồi thân xám – cánh dài – mắt đỏ

Phép lai thuận nghịch: là hai phép lai khác nhau, thay đổi kiểu gen của bố và mẹ

Ví dụ:

Phép lai thuận: P : ♂ AA x ♀ aa

Phép lai nghịch: P: ♂ aa x ♀ AA

Lai phân tích: lai giữa cơ thể mang tính trạng trội với cơ thể mang tính trạng lặn, để xác định kiểu gen của cơ thể mang tính trạng trội

Nếu cá thể trội đồng hợp thì con lai đồng tính và ngược lại

Ví dụ: AA x aa, F1 100% kiểu hình A-

Aa x aa, F1 phân li 50% A- : 50% aa

2, Chuyên đề Quy luật di truyền - Phần 2: Quy luật phân li

a) Thí nghiệm

Men đen đã tiến hành lai các cây thuần chủng hoa đỏ với hoa trắng, đời con F1 thu được 100% hoa đỏ. Cho F1 tự thụ phấn, F2 có tỉ lệ xấp xỉ 3 hoa đỏ : 1 hoa trắng

Ptc: hoa đỏ x hoa trắng

F1: 100% hoa đỏ

F2: ¾ hoa đỏ : ¼ hoa trắng

Trong đó A quy định hoa đỏ, a quy định hoa trắng

 

Men đen - Người đặt nền móng cho ngành Di truyền học hiện đại

Nhận xét:

Ptc khác nhau, tính trạng ở F1 là tính trạng trội

F2 có tỉ lệ 3 : 1 = 4 kiểu tổ hợp = 2 . 2

F1 tạo 2 loại giao tử

b) Sơ đồ lai, áp dụng vào các bài tập lý thuyết sinh học 12

Ptc: hoa đỏ x hoa trắng

F1: 100% hoa đỏ

F2: ¾ hoa đỏ : ¼ hoa trắng

Ta có sơ đồ lai theo kiểu gen như sau:

P: AA x aa

G: A, a

F1: Aa x Aa

G: ½ A: ½ a ; ½ A: ½ a

 ½ A½ a
½ A¼ AA¼ Aa
½ a¼ Aa¼ aa

Tỉ lệ kiểu gen F2: ¼ AA : 2/4 Aa : ¼ aa

Tỉ lệ kiểu hình: ¾ A- : ¼ aa

c) Trường hợp mở rộng: Trội không hoàn toàn

Đây là hiện tượng di truyền trong đó kiểu gen dị hợp biểu hiện tính trạng trung gian giữa tính trạng trội và tính trạng lặn do gen trội A không át được gen lặn a

d) Nội dung quy luật phân li

Mỗi tính trạng do một cặp alen quy định, một có nguồn gốc từ bố, một có nguồn gốc từ mẹ. Khi hình thành giao tử, các thành viên của cặp alen phân li đồng đều về các giao tử nên 50% giao tử chứa alen này, 50% giao tử chứa alen kia

e) Cơ sở tế bào học

Trong tế bào, các gen và nhiễm sắc thể tồn tại thành một cặp. Khi giảm phân hình thành giao tử, các nhiễm sắc thể phân li đồng đều dẫn đến các alen của cặp cũng phân li đồng đều

3, Chuyên đề Quy luật di truyền - Phần 3: Gen đa hiệu – Tương tác gen

a) Gen đa hiệu: Gen đa hiệu là trường hợp một gen chi phối nhiều tính trạng

b) Tương tác gen

Định nghĩa: Tương tác gen là nhiều gen cùng tương tác với nhau quy định một tính trạng. Thực chất không phải các gen tương tác trực tiếp, mà là sản phẩm của các gen tương tác với nhau

Chú ý rằng, tương tác gen ở đây đề cập đến  tương tác giữa các gen không alen (gen khác locut)

Tương tác bổ sung:

Xét thí nghiệm sau

Ptc: hoa đỏ x hoa trắng

F1: 100% hoa đỏ

F1 tự thụ

F2: 9 hoa đỏ : 7 hoa trắng

Nhận xét:

Phép lai một cặp tính trạng

F2 có 16 kiểu tổ hợp = 4 x 4 loại giao tử

-> F1 dị hợp 2 cặp gen AaBb

-> 2 gen cùng quy định một tính trạng

Ta xét sơ đồ lai

F1: AaBb x AaBb

F2: [9A – B – ] (hoa đỏ) : [3A – bb : 3aaB – : 1aabb] (hoa trắng)

Kết luận: Màu sắc hoa do 2 cặp gen cùng quy định, tương tác theo tỉ lệ 9 : 7. Khi có mặt cả 2 gen trội quy định màu hoa đỏ. Khi có mặt 1 trong 2 gen trội hoặc không có gen trội nào quy định màu hoa trắng

Chú ý rằng ngoài tỉ lệ 9 : 7, tương tác bổ sung còn có các tỉ lệ tương tác đặc trưng là 9 : 6 : 1 và 9 : 3 : 3 : 1

Tương tác cộng gộp – kiến thức bổ sung về chương Quy luật di truyền

Tương tác cộng gộp là nhiều gen cùng quy định một tính trạng. Trong đó mỗi gen trội hay lặn có vai trò như nhau làm tăng cường độ biểu hiện của tính trạng theo hướng tích lũy.

Ta xét thí nghiệm sau

Ptc: hoa đỏ x hoa trắng

F1: 100% hoa đỏ

F2: 15 hoa đỏ : 1 hoa trắng

(màu đỏ nhạt dần từ đỏ đậm đến trắng)

Ví dụ: Mỗi alen trội làm màu hoa đỏ thêm một chút

Kiểu gen aabb làm cho hoa màu trắng

Aabb cho hoa có màu hồng nhạt

Aabb cho hoa có màu hồng đậm

AABB có hoa màu đỏ

Nhận xét:

Màu hoa đậm nhạt khác nhau phụ thuộc vào số lượng trong kiểu gen, kiểu gen càng nhiều alen trội, mức độ đỏ càng cao, mỗi gen đóng góp 1 phần như nhau trong biều hiện tính trạng

Chú ý, tỉ lệ đặc trưng của tương tác cộng gộp là 15 : 1

4, Chuyên đề Quy luật di truyền - Phần 4: Liên kết gen

a) Thí nghiệm

Moocgan tiến hành thí nghiệm trên đối tượng ruồi giấm

Ptc: thân xám cánh dài x thân đen cánh cụt

F1: 100% thân xám cánh dài

Lai phân tích ruồi đực F1

Fa: ½ xám, dài x ½ đen, cụt

Nhận xét:

Ptc tương phản, F2 có kiểu hình thân xám, cánh dài -> thân xám cánh dài là tính trạng trội và F1 dị hợp tất cả các cặp gen

Phép lai phân tích kiểu gen dị hợp 2 cặp gen cho tỉ lệ 1 : 1 -> F1 chỉ tạo 2 loại giao tử

Cơ thể dị hợp 2 cặp gen cho 2 loại giao tử vậy 2 gen cùng nằm trên 1 nhiễm sắc thể

Cụ thể, ta quy định A: Thân xám, B: cánh dài, a: thân đen, b: cánh cụt

F1 lai phân tích

F1: Aa, Bb x aa, bb

Fa: 1 Aa, Bb : 1 aa, bb

-> F1 tạo ra 2 loại giao tử AB, ab. Kiểu gen của F1: AB/ ab

b) Nội dung quy luật liên kết gen: Các gen cùng nằm trên 1 nhiễm sắc thể cùng phân li và tổ hợp với nhau gọi là liên kết gen . Tất cả các gen nằm trên cùng một nhiễm sắc thể tạo thành một nhóm gen liên kết

Số lượng nhóm gen liên kết của loài thường bằng số nhiễm sắc thể trong bộ đơn bội của loài đó

c) Cơ sở khoa học: Số lượng gen lớn hơn nhiều số lượng nhiễm sắc thể nên có nhiều gen nằm trên cùng một nhiễm sắc thể. Các gen nằm trên 1 nhiễm sắc thể liên kết với nhau là chủ yếu

d) Ý nghĩa của liên kết gen: Làm hạn chế sự xuất hiện biến dị tổ hợp. Trong thực tế, nhờ liên kết gen mà con người có thể chọn được nhóm tính trạng tốt luôn di truyền cùng nhau.

Trên đây là phần tổng hợp kiến thức sinh học 12 chuyên đề Quy luật di truyền. Đây có thể coi là chương trọng tâm nhất của toàn bộ chương trình Sinh học lớp 12. Để đạt điểm tốt trong các bài kiểm tra và kì thi THPT Quốc gia sắp tới, học sinh cần nắm vững từng chương của chuyên đề, bao gồm Quy luật phân li, Gen đa hiệu – tương tác gen và cuối cùng là Liên kết gen. Chúc các em học tốt!

  • Sách CCBook – Đọc là đỗ
  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 024.3399.2266
  • Email: [email protected]

Nguồn: ccbook.vn

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: