Dàn ý nghị luận xã hội chi tiết và đáp án bộ đề Đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia

07/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Dàn ý nghị luận xã hội chi tiết và đáp án bộ đề Đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia

Trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn, nghị luận xã hội 200 chữ là câu hỏi chiếm đến 2 điểm. Theo xu hướng hiện nay, đề nghị luận xã hội thường tích hợp với câu đọc hiểu. Dưới đây là bộ 3 đề thi có đáp án toàn bộ phần đọc hiểu và dàn ý nghị luận xã hội chi tiết dành cho học sinh lớp 12.

TRỌN BỘ ĐỀ + LỜI GIẢI CHI TIẾT 9 MÔN ĐỀ MINH HỌA 2020 LẦN 2

 Phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm và Nghị luận xã hội chiếm 2 điểm trong toàn bộ đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

1, Bộ đề Đọc hiểu – NLXH số 1: dàn ý nghị luận xã hội về cái tôi con người

Đề bài câu đọc hiểu và nghị luận xã hội

Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Cái tôi còn được gọi bằng nhiều tên khác: cái ta, ngã, tự ngã. Cái tôi được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cái tôi dần học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. Cái tôi là sự tin tưởng mạnh mẽ rằng bạn là một cá nhân riêng lẻ.

Nếu không có cái tôi, không những bạn mà tất cả chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình. Mỗi người đều có cái tôi riêng, không ai giống ai, từ đó hình thành nên tính cách của mỗi người rất khác nhau, dù chúng ta cùng sống trong một xã hội. Và con người luôn cần khác biệt.

Cái tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội. Nhưng cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuần quy luật trật tự, vì vậy con người luôn phải canh chừng cái tôi để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành.

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Nếu không có cái tôi, không những bạn mà tất cả chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình”?

Câu 3: Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến: “Cái tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội”?

Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan niệm “con người luôn cần khác biệt” hay không? Vì sao?

Câu nghị luận xã hội (2,0 điểm): Từ văn bản trên, hãy viết đoạn văn khoảng 200 từ nêu ý kiến của anh (chị) về những việc cần làm để “hướng dẫn cái tôi khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành”

3 đề đọc hiểu có đáp án chuyên đề đọc hiểu thơ  

Đáp án phần đọc hiểu và dàn ý nghị luận xã hội tham khảo

Câu 1: (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận.

Câu 2: (0,5 điểm): Tác giả cho rằng “Nếu không có cái tôi, không những bạn mà tất cả chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang suốt cuộc hành trình đi tìm bạn thân mình” vì cái gắn với sự tin tưởng mạnh mẽ rằng bạn là một cá nhân riêng lẻ, là một người có cá tính riêng.

Câu 3: (1,0 điểm)

+ Cái tôi là trung gian hòa giải giữa ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội vì:

+ Nó là sự ý thức về bản thân của mỗi người, nó điều chỉnh cá tính bản thân cho phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội, nhưng vẫn thể hiện được bản sắc cá nhân.

+ Từ đó, nhận định khuyên chúng ta hình thành cái tối độc đáo nhưng phù hợp với các chuẩn mực xã hội.

Câu 4 : (1,0 điểm): Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, vì những nguyên nhân sau:

+ Khác biệt để phát huy năng lực riêng, cá tính độc đáo của bản thân.

+ Từ đó, sự khác biệt giúp chúng ta khẳng định mình, dễ đạt được thành công trong sự nghiệp, sống cuộc đời ý nghĩa, có bản sắc riêng.

+ Những cá nhân khác biệt sẽ làm nên sự đa dạng của xã hội.

 Cái tôi đem lại sự đa dạng cho xã hội

Câu nghị luận xã hội: (2,0 điểm): Trong dàn ý nghị luận xã hội ta có thể nêu một số nội dung sau:

+ Bản thân định hình được sở trường ra sức rèn luyện, phát huy điểm mạnh riêng biệt của cá nhân.

+ Bên cạnh đó mỗi người cũng cần hiểu rõ hạn chế của bản thân để điều chỉnh, khắc phục, tránh ảnh hưởng đến khả năng thành công trong công việc.

+ Gia đình, nhà trường định hướng cho các năng lực, tính cách đó phát triển phù hợp với chuẩn mực, đạo đức xã hội.

2, Bộ đề Đọc hiểu –NLXH số 2: cách mạng công nghiệp 4.0

Đề bài câu đọc hiểu và nghị luận xã hội

Cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt là cách mạng 4.0) dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, sự kết nối toàn cầu ở nhiều tầng bậc, nhiều lĩnh vực trong cùng một lúc. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba đã xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, dân tộc ở mặt tri thức khoa học và lĩnh vực kinh tế. Sản phẩm từ nền sản xuất vật chất trong cuộc cách mạng này đã bao trùm toàn thế giới và mỗi con người đều có thể sử dụng nó từ bất kỳ nơi sản xuất nào một cách dễ dàng. Tuy nhiên, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba với đặc trưng sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng truyền thông, còn cách mạng 4.0 sử dụng nguồn năng lượng mới, tạo ra vật liệu mới là cơ bản. Cách mạng 4.0 chứng minh tri thức khoa học (đặc biệt là tri thức nhân tạo) có sức mạnh mang tính vật chất to lớn cho phép cải tạo thế giới ở trình độ cao. Công nghệ sinh học, công nghệ na-nô gắn với nó là sức bền vật liệu ra đời. Sự xuất hiện người máy, tự động hóa, dây chuyền sản xuất, điều khiển học ngày càng nhanh chóng, mở rộng và trình độ cao.

Nhờ công nghệ thông tin, kết nối, mở rộng tầm giao lưu, giao tiếp giữa con người với con người qua mạng internet có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa dân tộc về văn hóa. Văn hóa có tính bản địa, tính dân tộc rất sâu sắc thì hiện nay có nguy cơ bị phai nhạt rất lớn. Cùng với nó là các nước lớn muốn thể hiện vai trò, thực hiện tham vọng về lợi ích, mục đích chính trị cũng như ảnh hưởng về văn hóa ngày càng tăng. Các nước lớn sử dụng thành tựu cách mạng 4.0 như một công cụ hữu hiệu để quảng bá văn hóa của mình phục vụ cho mục đích chính trị. Việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của một quốc gia phải đối mặt với những xu hướng ấy một cách toàn diện, trực tiếp và gay cấn nhất từ trước đến nay. Cách mạng 4.0 khiến bất cứ quốc gia, dân tộc và một cá nhân con người không thể thờ ơ, đứng ngoài “vòng xoáy” của nó. Tuy nhiên, tác động của cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn. Sự kết nối nhờ thành tựu công nghệ thông tin, kỹ thuật số cũng tạo ra những cơ hội cho tiếp xúc, học hỏi được nhiều ở các nước không chỉ về thành tựu văn minh, mà còn về giá trị văn hóa một cách nhanh chóng, cập nhật.

Câu 1: Xác định hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2: Theo tác giả, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã kế thừa những gì và khác biệt như thế nào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3?

Câu 3: Xác định nội dung của văn bản.

Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với ý kiến “tác động của cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn” không? Vì sao?

Câu nghị luận xã hội (2,0 điểm): Từ văn bản trên, hãy viết đoạn văn khoảng 200 từ nêu ý kiến của anh (chị) về những việc cần chuẩn bị để bản thân mỗi người trẻ đón nhận cuộc cách mạng 4.0.

Đáp án phần đọc hiểu và dàn ý nghị luận xã hội tham khảo

Câu 1: Hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Nghị luận, thuyết minh.

Câu 2: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã kế thừa và khác biệt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 như sau:

+ Kế thừa: Sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, sự kết nối toàn cầu ở nhiều tầng bậc, nhiều lĩnh vực, năng lượng truyền thống

+ Khác biệt: Cách mạng 4.0 sử dụng nguồn năng lượng mới, tạo ra vật liệu mới là cơ bản. Cách mạng 4.0 chứng minh tri thức khoa học (đặc biệt là tri thức nhân tạo) có sức mạnh mang tính vật chất to lớn cho phép cải tạo thế giới ở trình độ cao.

Câu 3: Nội dung của văn bản:

+ Qua việc cung cấp một số thông tin cơ bản về cuộc cách mạng 4.0, văn bản đưa ra quan điểm: tác động của vấn đề này không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn.

+ Văn bản đặc biệt nhấn mạnh và khẳng định tác động to lớn của cách mạng 4.0 đối với văn hóa xã hội của một quốc gia: nó giúp giao lưu văn hóa, mở rộng sự ảnh hưởng văn hóa giữa các quốc gia nhưng đồng thời nó cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu 4: Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, vì những nguyên nhân sau:

+ Thách thức: vấn đề khoa học kĩ thuật, nguồn nhân lực của nước ta chưa sẵn sàng.

+ Cơ hội: Giao lưu mở rộng kinh tế, văn hóa, tiếp thu thành tựu khoa học của thế giới để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

 Cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ đề nghị luận tương đối thú vị

Câu nghị luận xã hội: Trong dàn ý nghị luận xã hội ta có thể nêu một số nội dung sau:

+ Trang bị kiến thức, kĩ năng về ngoại ngữ, công nghệ hiện đại, phù hợp với đòi hỏi của thời đại mới.

+ Tự tin, sáng tạo để chuẩn bị cho bản thân luôn sẵn sàng trước mọi thử thách, khẳng định cá tính độc đáo riêng biệt của bản thân.

+ Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

3, Bộ đề Đọc hiểu –NLXH số 3: dàn ý nghị luận xã hội về lòng tự trọng

Đề bài câu đọc hiểu và nghị luận xã hội

 “Tự trọng” nghĩa là biết coi trọng mình, nhưng không phải theo nghĩa vị kỷ (chỉ biết đến danh lợi cho bản thân mình) mà là coi trọng phẩm giá / đạo đức của mình. Một người có tự trọng hay không cũng thường được thể hiện qua câu trả lời hay qua hành xử của anh ta cho những câu hỏi như: “Điều gì khiến tôi sợ hãi/xấu hổ?”, “Điều gì khiến tôi tự hào/ hạnh phúc?”...

Người tự trọng tất nhiên sẽ biết sợ sự trừng phạt của nhà nước (sợ pháp lý) nếu làm trái pháp luật và sợ điều tiếng dư luận của xã hội (sợ đạo lý) nếu làm trái luân thường lẽ phải. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất với họ. Điều đáng sợ nhất đối với một người tự trọng là sự giày vò bản thân khi làm chuyện đi ngược lại lương tri của chính mình, phản bội lại lẽ sống, giá trị sống, nguyên tắc sống mà mình đeo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình. Nói cách khác, đối với người có tự trọng, có đạo đức, “tòa án lưong tâm còn đáng sợ hơn cả “tòa án nhà nước” hay “tòa án dư luận”

Người tự trọng thường đối diện với lương tri và phẩm giá bản thân, đối diện với “con người bên trong ” của mình để hành động hơn là đối diện với sự răn đe của luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài. Do đó, họ sẽ khó có thể làm việc xấu, việc sai ngay cả khi việc xấu, việc sai đó rất có lợi cho mình và nếu có làm thì cũng không sao cả, vì việc xấu việc sai đó đã trở nên phổ biến và bình thường với mọi người.

Người tự trọng có hạnh phúc, có tự hào khi được sự ghi nhận, mến trọng hay ngưỡng mộ của người khác dành cho mình không? Câu trả lời đương nhiên là có, rất hạnh phúc, rất tự hào. Nhưng đó chưa phải là hạnh phúc lớn nhất. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với họ là niềm tự hào sâu kín và riêng tư từ bên trong con người của họ về những việc mà họ làm, về những điều mà họ theo đuổi. Chính vì được dẫn dắt bởi nội tại của bản thân hơn là bị chi phối từ bên ngoài, người tự trọng thường rất tự do và tự trị khi hành động.

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2: Theo tác giả, người tự trọng có những biểu hiện nào?

Câu 3: Anh (chị) hiểu như thế nào về nhận định: “đối với người có tự trọng, có đạo đức, “tòa án lương tâm” còn đáng sợ hơn cả “tòa án nhà nước” hay “tòa án dư luận ”?

Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan niệm của tác giả: “Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với họ (người có lòng tự trọng) là niềm tự hào sâu kín và riêng tư từ bên trong con người của họ về những việc mà họ làm, về những điều mà họ theo đuổi” không? Vì sao?

Câu nghị luận xã hội (2,0 điểm): Từ văn bản trên, hãy viết đoạn văn khoảng 200 từ nêu ý kiến của anh (chị) về vai trò của lòng tự trọng trong cuộc sống.

Đáp án phần đọc hiểu và dàn ý nghị luận xã hội tham khảo

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản: Chính luận.

Câu 2: Biểu hiện của người tự trọng:

+ Biết coi trọng phẩm giá, đạo đức của mình.

+ Biết sợ sự trừng phạt của pháp luật, đặc biệt là sợ bị lương tâm giày vò.

Câu 3: Tòa án lương tâm đáng sợ hơn tòa án nhà nước, tòa án dư luận vì:

+ Tòa án lương tâm luôn tồn tại bên trong họ, không thể che giấu tội lỗi.

+ Sự giày vò của tòa án lương tâm diễn ra mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi người đó thoát khỏi án phạt của tòa án nhà nước.

Câu 4: Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, vì những nguyên nhân sau:

+ Họ được hành động theo ý muốn của mình, không bị người khác chi phối.

+ Những việc họ làm đều phù hợp với các chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức.

+ Họ có được trạng thái an yên, vui vẻ, thoải mái do cách sống chủ động không lệ thuộc; thanh sạch, không vướng bận.

Câu nghị luận xã hội: Trong dàn ý nghị luận xã hội ta có thể nêu một số nội dung sau:

+ Lòng tự trọng giúp ta cư xử đúng với các chuẩn mực xã hội.

+ Lòng tự trọng giúp ta ý thức được thiếu sót, đồng thời khắc phục những điểm chưa tốt của bản thân, từ đó phát triển hoàn thiện nhân cách.

+ Lòng tự trọng giúp ta có một đời sống an yên, vui vẻ, có được sự chủ động không lệ thuộc, thanh sạch, không vướng bận.

Trên đây là đáp án đọc hiểu và dàn ý nghị luận xã hội dành cho học sinh ôn tập môn Ngữ văn thi THPT Quốc gia. Chúc các em ôn tập thuận lợi!

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: