Hướng dẫn cách làm bài nghị luận xã hội trong tác phẩm văn học

11/05/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Hướng dẫn cách làm bài nghị luận xã hội trong tác phẩm văn học

Nghị luận xã hội là dạng câu hỏi rất thường gặp trong các đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia. Nó thường chiếm từ 2 cho đến 3 điểm trên toàn bộ đề thi. Và bởi vậy, các em học sinh phải nắm được cách làm bài nghị luận xã hội nếu muốn đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn.

Có tất cả 3 dạng bài nghị luận xã hội thường gặp, ngoài hai dạng nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí và nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống, ta còn có dạng thứ 3: nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học

Xem thêm:

1, Định nghĩa dạng bài và cách làm bài nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học

 

Dạng bài nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học thường xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia những năm gần đây

Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học là dạng đề tổng hợp giữa làm văn và đọc văn. Chính vì thế, để giải quyết được đề bài này, các em vừa phải có kiến thức chắc chắn về tác phẩm văn học, vừa phải am hiểu sâu rộng tri thức đời sống xã hội. Bản chất của đề vẫn là bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống. Bởi thế, cấu trúc bài văn nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học tương tự với cấu trúc của đề nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống, chỉ cần bổ sung ngắn gọn kiến thức tác phẩm được đặt ra. Đó như một cái cớ để người ra đề khơi gợi các hiện tượng và yêu cầu người viết bày tỏ quan điểm

2, Một số lỗi thường gặp trong cách làm bài nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học

Lỗi lớn nhất mà học sinh thường gặp đó chính là nhầm lẫn giữa đề nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học với đề nghị luận văn học. Từ đó quá chú trọng vào cách làm bài văn nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống như cắt nghĩa cái hay, vẻ đẹp của yếu tố ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật trong văn bản. Trong khi đó, phần nghị luận vấn đề xã hội (phần trọng tâm) làm rất sơ sài, dẫn đến sai lệch yêu cầu của đề và nhận điểm kém. Cuối cùng là suy diễn, áp đặt ý kiến chủ quan, hiểu không chính xác nội dung tư tưởng cũng như vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.

 

Lỗi thường gặp nhất khi làm bài nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học là học sinh bị nhầm lẫn với dạng nghị luận văn học

3, Hướng dẫn cách làm bài nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học (đề mẫu)

Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi từ số 1 đến số 4

(1) Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tốn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn đã bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa? Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (…)

(2) Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của “cái Tôi” bên trong bạn?

(3) Một “cái Tôi” luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một “cái Tôi” khắc khoải mong được thừa nhận. Một “cái Tôi” thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một “cái Tôi” nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên chưa thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một “cái Tôi” vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập, mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe doạ và lo lắng về tương lai. Khi “cái Tôi” tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác.

(Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình – Dương Thùy, Nxb. Hà Nội, 2016, tr.118 – 119)

Đây là câu hỏi thuộc đề thi thử THPT Quốc gia chuyên Đại học Vinh 2019

 

Hiện nay, các đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia thường tích hợp câu Đọc hiểu văn học với phần nghị luận xã hội, tương tự với đề thi thử chuyên ĐH Vinh nêu trên

Câu hỏi phần Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1. Xác định những phép liên kết được sử dụng trong đoạn (1) và (3) của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản. (1,0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, việc đề cao “cái Tôi” cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay? (1,0 điểm)

Câu hỏi phần Làm văn: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu hỏi được đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận?

Hướng dẫn phần làm văn theo đúng dàn ý bài văn nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học

Phần 1: Giải thích từ ngữ: chiến đấu đến cùng là cách nói hình ảnh, dùng để diễn tả trạng thái đấu tranh (bằng ngôn ngữ hay bằng hành động) một cách kiên quyết, không khoan nhượng, không chịu từ bỏ khi diễn ra mâu thuẫn, xung đột giữa bản thân và các lực lượng khác. Câu hỏi trên đặt ra vấn đề mở để mọi người cùng suy ngẫm: liệu đây có phải là cách duy nhất để mỗi người giành được chiến thắng, để được thừa nhận trong cuộc sống không?

Phần 2: Bàn luận vấn đề

Luận điểm 1: Khẳng định trong cuộc sống, để giành được chiến thắng, để được thừa nhận, nhiều khi con người phải chiến đấu đến cùng. Sau đó, ta liệt kê hệ thống luận ý chứng minh cho luận điểm. Đây là cách làm bài nghị luận xã hội thường gặp.

Luận ý 1: Chiến thắng và được mọi người công nhận là nhu cầu chính đáng của con người. Để bảo vệ nhu cầu chính đáng ấy, tất yếu mỗi người cần phải chiến đấu đến cùng.

Luận ý 2: Trước một vấn đề, có thể có nhiều ý kiến, hướng giải quyết trái ngược. Đặc biệt, cái sai lầm, cái xấu thường không dễ nhận ra, không dễ đầu hàng. Chỉ có kiên quyết bảo vệ quan điểm, hướng đi của mình đến cùng thì người khác mới hiểu rõ ngọn ngành, bị thuyết phục và đồng thuận với điều đúng đắn. Cũng chỉ qua chiến đấu đến cùng, mỗi người mới loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh, mới chứng minh bản thân là người chiến thắng xứng đáng

Luận ý 3: Qua hành động chiến đấu đến cùng, mỗi người cũng chứng tỏ được trí tuệ, bản lĩnh, lập trường, quan điểm sống của bản thân, làm người khác hiểu mình hơn

Luận điểm 2: Tuy nhiên, chiến đấu đến cùng không phải là con đường duy nhất để giành được chiến thắng, để được thừa nhận, bởi:

Luận ý 1: Đôi khi, chiến đấu đến cùng lại gây nên tác dụng trái ngược: làm chúng ta trở nên cố chấp, cực đoan, hiếu chiến, hiếu thắng, làm bản thân ta và người khác dễ bị tổn thương, gây xung đột, bất hòa. Không phải khi nào chiến đấu đến cùng cũng giành được chiến thắng nếu quan điểm, hướng đi của bản thân sai lầm. Có rất nhiều sự việc cần phải trải qua thời gian mới chứng tỏ được chân lý, mới được thừa nhận

Phần 3: Rút ra giải pháp, bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp

Trên đây là toàn bộ kiến thức và hướng dẫn cách làm bài nghị luận xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học. Lưu ý lớn nhất khi làm dạng bài này là học sinh phải ghi nhớ trọng tâm của đề vẫn là nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học. Do vậy, khi lên dàn ý cho bài viết, học sinh phải thực hiện theo cấu trúc đề nghị luận xã hội, tránh lan man, lạc đề. Chúc các em đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc gia!

Nguồn: ccbook.vn

 

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: