Văn mẫu phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài chi tiết nhất

28/04/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Văn mẫu phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài chi tiết nhất

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, hình ảnh người đàn bà hàng chài hiện lên với rất nhiều vẻ đẹp tiền ẩn. Qua những tình huống truyện đầy bất ngờ, ta càng hiểu rõ hơn về nỗi thống khổ của những người phụ nữ làm nghề chài lưới, cũng như những vẻ đẹp lấp lánh của họ ngay cả trong gian khổ.

So sánh văn học 12: Người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài

người đàn bà hàng chài

Vài nét về nhà văn Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu (1930- 1989), quê ở làng Thơi, xã Quỳnh Hải (nay là xã Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1950, ông tham gia nhập bộ đội. Năm 1952 - 1958, ông công tác và chiến đấu tại sư đoàn 320.

Sau 1975, khi văn chương chuyển hướng khám phá trở về với đời thường, Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự.

Tâm điểm những khám phá nghệ thụât của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Ông khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng lớp lịch sử.”

Tác phẩm chính: “Cửa sông” (tiểu thuyết - 1967), “Những vùng trời khác nhau” (truyện ngắn - 1970), “Dấu chân người lính”(tiểu thuyết - 1977)

Năm 2000 ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Xuất xứ và ý nghĩa nhan đề tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Xuất xứ: Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến quê (1985), sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987).

Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, là không gian sinh sống của gia đình người đàn bà làng chài. Ở đó, ngoài vợ chồng họ còn cả một đàn con.

Cuộc sống khó khăn, đói kém làm con người thay đổi tâm tính. Trước đây, anh là một người hiền lành nhưng do cuộc sống cùng quẫn làm cho người chồng trở lên cục cằn thô lỗ, biến vợ thành đối tượng của những trận đòn. Những cảnh tượng đó, những thân phận đó nếu nhìn từ xa sẽ không phát hiện được.

Suy tưởng nghệ thuật của nhan đề

Nhưng cũng chính vì ở ngoài xa nên con thuyền mới cô đơn. Đó là sự cô độc của con thuyền nghệ thuật trên đại dương cuộc sống, đơn độc của con người trong cuộc đời. Chính sự thiếu gần gũi, chia sẻ ấy là nguyên nhân sự bế tắc và lầm lạc.

Phùng đã chụp được cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm – một vẻ đẹp toàn mĩ. Chiếc thuyền là biểu tượng của sự toàn bích mà chiêm ngưỡng nó, anh thấy tâm hồn mình trong ngần.

Nhưng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, chứng kiến cảnh đánh đập vợ của người đàn ông kia, anh nhận ra rằng cái đẹp ngoài xa cũng ẩn chứa nhiều ngang trái và nghịch lí. Nếu không lại gần anh chẳng thể phát hiện ra. Xa và gần, bên ngoài và sâu thẳm … đó cũng là cách nhìn, tiếp cận nghệ thuật chân chính.

Tóm tắt tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

- Phùng là một nghệ sĩ, anh đến ven biển miền Trung - nơi anh đã từng chiến đấu để chụp ảnh lịch. Sau nhiều ngày anh đã chụp được một “ cảnh đắt trời cho”: cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương.

- Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh hết sức ngạc nhiên: Từ chính trong chiếc thuyền, một gã đàn ông vũ phu đã đánh đập người vợ hết sức dã man, đứa con trai xông vào đánh lại bố.

- Đẩu, bạn chiến đấu của Phùng, nay là Chánh án tòa án huyện và Phùng khuyên người đàn bà bỏ người chồng vũ phu độc ác đó.

- Nhưng bất ngờ, người phụ nữ đã từ chối lời khuyên cùng giải pháp của Đẩu và Phùng, nhất quyết không bỏ lão chồng vũ phu.

- Nhận thức mới bừng sáng trong Đẩu và Phùng sau câu chuyện. Cách nhìn bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” của Phùng sau chuyến công tác.

người đàn bà hàng chài

Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài: Nỗi thống khổ của người phụ nữ làm nghề chài lưới.

Người đàn bà hàng chài có ngoại hình xấu xí

- Thân hình “cao lớn” nhưng “thô kệch”.

- Gương mặt với “những nốt rỗ chằng chịt”.

- “từ nhỏ đã là 1 đứa con gái xấu xí lại rỗ mặt”.

- “cũng vì xấu, trong phố không ai lấy”.

=> Với phụ nữ, ngoại hình xấu xí cũng là điều thua thiệt, bất hạnh

Người đàn bà hàng chài nghèo túng, đông con, thuyền chật

- Khổ về vật chất, đau đớn về tâm hồn: “từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”.

- Lam lũ, vất vả, thiếu thốn:“lưng áo bạc phếch và rách rưới”, “Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”.

- Trải qua nhiều lần sinh nở, có “một sắp con trên dưới 10 đứa”.

- Không gian sống lại là con thuyền lưới vó chật hẹp.

Người đàn bà hàng chài thường xuyên bị hành hạ vũ phu

- Cái cảnh tượng gã chồng “trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà” cứ diễn ra thường xuyên “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

=> Đau đớn vô hạn về thể xác, nhục nhã về tinh thần: “Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn - vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”.

Tiểu kết: Người đàn bà hàng chài là hiện thân sinh động của 1 kiếp người bị “vùi dập, đầy đoạ, hắt hủi, không có ai bênh vực”.

Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài: Kết tinh vẻ đẹp tâm hồn phụ nữ cao cả

Bao dung, độ lượng, vị tha

- Người đàn bà hàng chài thấy chồng mình đáng thương, đáng được cảm thông: “Lão chồng tôi khi ấy là một người cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập tôi”, “cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính”…Luôn coi chồng mình như người bạn đời thân thiết, cùng “chung lưng đấu cật” để: Chèo chống con thuyền lúc phong ba, nuôi đàn con khôn lớn, gánh vác gia đình, để mưu sinh trong cõi đời cơ cực.

- Nhận mọi lỗi về mình: Cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền chúng tôi đẻ nhiều quá...Giá tôi đẻ ít đi...

- Chắt chiu niềm vui, nâng niu hạnh phúc: Vả lại trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái hoà thuận, vui vẻ...

=> Người đàn bà hàng chài là hiện thân của lòng vị tha, của sự độ lượng, bao dung.

Lòng thương con vô hạn, tình mẫu tử cảm động, thiêng liêng

- Coi việc mình bị hành hạ và phải chịu đựng đau khổ bất hạnh là lẽ đương nhiên: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”.

- Tự nguyện hi sinh hạnh phúc của riêng mình vì cuộc sống của những đứa con: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”.

- Thương con, thiết tha nuôi con khôn lớn, nên nhẫn nhục chấp nhận tất cả, chấp nhận cả những trận đòn vũ phu tàn nhẫn của chồng...=> Đức hi sinh thầm lặng mà sâu sắc.

- Niềm vui tội nghiệp mà cao cả: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...”

Thâm trầm, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời

- Dễ dàng nhận ra sự đơn giản, ngây thơ trong cách nhìn nhận về con người và cuộc sống của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu: “các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”, “các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...”

- Giúp những người có học thức như Đẩu và Phùng hiểu được nguyên cớ khiến mình không thể từ bỏ gã chồng vũ phu, độc ác: Trên thuyền “cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa”

- Lặng lẽ, kín đáo, thâm trầm: “tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu cái lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài”.

=> Vẻ đẹp khuất lấp, “cái hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn con người”.

người đàn bà hàng chài

Giá trị nội dung và nghệ thuật của Chiếc thuyền ngoài xa

- Nội dung: Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời sau bức ảnh, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất sự thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

- Nghệ thuật:

+ Cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo đã góp phần làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm

+ Nghệ thuật xây dựng tình huống nghịch lí làm nổi bật tình huống chung, tình huống tự nhận thức.

+ Giọng điệu: chiêm nghiệm, suy tư phù hợp với nhận thức.

+ Ngôn ngữ giản dị đằm thắm mà đầy dư vị.

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: