Hướng dẫn làm đề phân tích Đàn ghi ta của Lorca chi tiết thi THPT QG

28/04/2021 Đăng bởi: cầu Công ty cổ phần CCGroup toàn
Hướng dẫn làm đề phân tích Đàn ghi ta của Lorca chi tiết thi THPT QG

Các đề văn phân tích Đàn ghi ta của Lorca thường bị nhiều học sinh lớp 12 bỏ qua không ôn vì cho rằng ít ra. Tuy đây là bài thơ nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 được nhận xét là khó học nhất nhưng đây vẫn là tác phẩm trọng tâm trong quá trình ôn thi. Bài viết sau đây sẽ giúp em nắm được dàn ý chi tiết, dễ dàng làm các đề văn liên quan đến tác phẩm

Văn mẫu phân tích bức tranh thiên nhiên tây tiến chi tiết 3 phần

TOP 3 bài văn mẫu cảm nhận 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc hay nhất

Một số thông tin về tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca

2.1, Xuất xứ

Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca rút trong tập Khối vuông ru-bích (1985), là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, phóng túng và ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực.

2.2, Ý nghĩa nhan đề, lời đề từ

a, Nhan đề Đàn ghi ta của Lorca

+ Ghi ta không chỉ là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha mà còn được coi là biểu tượng cho nền nghệ thuật ở đất nước này

+ Lor-ca là nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia nổi tiếng người Tây Ban Nha, người đã khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật

⇒ Đàn ghi ta của Lor-ca là biểu tượng cho những cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ thiên tài Ga-xi-a Lor-ca.

b, Lời đề từ: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

+ Đây là câu thơ trích từ bài thơ Ghi nhớ của Lor-ca, mang ý nghĩa như một lời di nguyện của ông lúc còn sống.

+ Thể hiện tình yêu say đắm với nghệ thuật, với xứ sở Tây Ban Nha của Lor-ca.

+ Với tư cách là một nhà cách tân nghệ thuật, Lor-ca nghĩ rằng đến một ngày nào đó thơ ca của ông cũng sẽ án ngữ, ngăn cản sự sáng tạo nghệ thuật của những người đến sau.

Vì thế, nhà thơ đã căn dặn các thế hệ sau: hãy “chôn” nghệ thuật của ông (cùng với ông) để bước tiếp. Điều này thể hiện vẻ đẹp nhân cách của ông.

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca đoạn 1 (6 dòng đầu): Hình tượng người “kỵ sĩ văn chương” đơn độc.

- Gợi liên tưởng đến khung cảnh của một đấu trường với những võ sĩ đấu bò tót nổi tiếng dũng cảm ở Tây Ban Nha.

- Cuộc chiến đấu giữa:

+ Khát vọng dân chủ của công dân Lor-ca với nền chính trị độc tài.

+ Khát vọng cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ với nền nghệ thuật già nua.

- “Những tiếng đàn bọt nước” (tiếng đàn không chỉ cảm nhận bằng thính giác mà còn bằng thị giác), cùng chuỗi hợp âm li-la li-la li-la đã cho thấy nghệ sĩ Lor-ca đang bay bổng với những giai điệu mới, với khát vọng cách tân nghệ thuật. Tiếng đàn bọt nước gợi ra số phận mong manh của người nghệ sĩ.

- Lor-ca đơn độc, mệt mỏi tranh đấu bền bỉ cho những khát vọng nghệ thuật cao đẹp. Như vậy, 6 dòng thơ đầu tiên của  Đàn ghi ta của Lorca là “khúc tiền tấu” của bản độc tấu ghi ta mang tên Lor-ca. Trong những giai điệu đầu tiên vút lên mạnh mẽ, hào hùng có những khoảnh khắc lắng xuống, day dứt, mong manh.

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca đoạn 2 (12 dòng tiếp): Lor-ca bị bắn và tiếng đàn ghi ta “máu chảy” 

- Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” gợi lên cái chết thê thảm của Lor-ca.

- Cái chết đã ập đến quá nhanh và phũ phàng, giữa lúc Lor-ca không ngờ tới (Chàng vẫn còn đang “hát nghêu ngao” và vẫn chưa thể tin được rằng việc mình “bị điệu về bãi bắn” lại là một sự thật)

- Lor-ca đã “đi như người mộng du”

- Tiếng ghi ta không còn vẹn nguyên, nó đã vỡ ra: thành màu sắc (tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh biết mấy); thành hình khối (tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan); thành dòng máu chảy (tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy).

Phân tích hình ảnh ẩn dụ trong từng tiếng ghi ta

- Mỗi tiếng ghi ta trong đoạn 2 Đàn ghi ta của Lorca là một nỗi niềm của con người trước cái chết của Lorca:

+ Sự tiếc thương của người tình thủy chung (Tiếng ghi ta nâu. Bầu trời cô gái ấy).

+ Nỗi niềm xót xa, tiếc nuối của con người, của nhà thơ trước hành trình dở dang của những cách tân nghệ thuật (Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy. Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan)

+ Nỗi đau của chúng ta trước cái chết thê thảm của người nghệ sĩ (Tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy).

Như vậy, Lor-ca đã phải dừng lại vĩnh viễn trong cuộc chiến đấu cho tự do, công lý và những khát vọng cách tân của người nghệ sĩ cũng theo đó mà như “bọt nước vỡ tan”.

- Trong Đàn ghi ta của Lorca 4 lần cụm từ “tiếng ghi ta” được lặp lại, thể hiện cảm xúc mãnh liệt và cảm nhận đa chiều (mỗi “tiếng ghi ta” gắn liền với một hình ảnh) của tác giả về cái chết của Ga-xi-a Lor-ca.

- Thủ pháp chuyển đổi cảm giác tạo nên những cảm nhận rất mới, rất độc đáo, phù hợp với những nỗ lực và khát vọng cách tân của người nghệ sĩ Lor-ca.

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca đoạn 3 (4 dòng tiếp) : Những tiếng đàn không được tiếp tục 

+ "Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” đồng nghĩa với nghệ thuật như cỏ mọc hoang tức là nghệ thuật thiếu vắng những người dẫn đường, vắng bóng người định hướng. Hành trình cách tân nghệ thuật của Lor-ca không có người tiếp tục.

+ “không ai chôn cất tiếng đàn” thể hiện một nỗi thất vọng lớn bởi dường như không ai thực sự hiểu Lorca, hiểu những suy nghĩ sâu sắc của người nghệ sĩ thiên tài gửi lại cho hậu thế. “Không ai chôn cất tiếng đàn” có nghĩa là không ai dám chôn nghệ thuật của Lorca.

+ Hình ảnh “Vầng trăng” trong Đàn ghi ta của Lorca vừa là hình ảnh thật vừa là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật.

+ “Giọt nước mắt” và “đáy giếng” là những hoán dụ nghệ thuật về người nghệ sĩ Lorca. ⇒ Hai câu thơ là nỗi buồn - một nỗi buồn trong sáng và rất đẹp của người nghệ sĩ chân chính luôn day dứt, khắc khoải những giá trị nghệ thuật đích thực và những khát vọng sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ.

Tiểu kết phân tích Đàn ghi ta của Lorca đoạn 2 và 3

Hình ảnh của Lorca, di sản nghệ thuật của ông, lý tưởng của người nghệ sĩ suốt đời đấu tranh cho nền dân chủ, cho nghệ thuật chân chính không bao giờ lụi tắt. Trái lại, nó càng “long lanh” hơn bao giờ hết. Vầng trăng của thiên nhiên, vầng trăng của nghệ thuật như đang giao thoa ánh xạ với nhau để soi tỏ một con người đã chết cho quê hương.

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca đoạn 4 (9 dòng cuối) : Suy tư về sự ra đi của Lor-ca.

- Tác giả đã nói về cái chết của Lor-ca từ góc độ tướng số học. Theo đó, cái chết của Lor-ca là một định mệnh đã được báo trước trên đường rãnh của bàn tay. Dòng thơ thể hiện một thái độ chấp nhận định mệnh phũ phàng, chấp nhận sự ra đi của Lor-ca như một quy luật không thể khác.

- Lor-ca đau đớn khi những khát vọng cách tân của ông không được người đời sau tiếp tục. Nhưng Lor-ca còn đau đớn hơn nếu văn chương của ông, tên tuổi của ông là “lực cản” kìm hãm những nỗ lực sáng tạo của các thế hệ kế tiếp. Chính vì thế mà hình tượng Lor-ca “bơi sang ngang - trên chiếc ghi ta màu bạc” thật nhẹ nhàng, thanh thản

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca đoạn kết

- Quyết định từ biệt thế giới mở đường cho những cách tân nghệ thuật của những người đến sau, Lor-ca đã hành động dứt khoát : “chàng ném lá bùa cô gái Di-gan - vào xoáy nước - chàng ném trái tim mình - vào lặng yên bất chợt”. Lor-ca ra đi thật đẹp, thật “sang”, thật đúng với tầm vóc và tư tưởng của người nghệ sĩ nổi tiếng. Những tiếng li-la li-la li-la... một lần nữa lại cất lên như bài ca về sự bất tử của một con người, như bản độc tấu ghi ta ngợi ca người nghệ sĩ chân chính, ngợi ca con người sáng tạo.

Phụ lục: Thông tin về tác giả Thanh Thảo

- Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

- Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông được công chúng ngưỡng mộ qua những bài thơ và trường ca mang phong cách độc đáo về chiến tranh và thời hậu chiến.

- Thơ ông là tiếng nói của người trí thức có nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Ông luôn tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ.

- Từ 1975, Thanh Thảo hoạt động văn nghệ và báo chí. Ông là phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi. Năm 1979 ông được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ.

- Tác phẩm chính:

+ Những người đi tới biển (1977 - trường ca).

+ Dấu chân qua trảng cỏ (1978 - thơ).

+ Khối vuông ru-bích (1985 - thơ) - tập thơ có tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca

+ Từ một đến một trăm (1988 - thơ).

+ Những ngọn sóng mặt trời (1994 - trường ca).

+ Cỏ vẫn mọc (2002 - trường ca)…

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: