Viết đoạn văn nghị luận xã hội về vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

11/05/2021 Đăng bởi: Công ty cổ phần CCGroup toàn cầu
Viết đoạn văn nghị luận xã hội về vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Để làm tốt đoạn văn nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học, trước tiên các em cần hiểu đúng yêu cầu của đề bài, xác định được bố cục của bài để lên dàn ý triển khai viết bài.

Hãy cùng tìm hiểu các bước tiến hành viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ và tham khảo ví dụ minh họa qua bài viết dưới đây:

Dấu hiệu nhận biết yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội

* Đối tượng:

+ Là một vấn đề xã hội nào đó được đặt ra trong tác phẩm văn học.

+ Vấn đề xã hội có thể lấy từ hai nguồn: Tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học.

* Lưu ý:

+ Dạng đề này liên quan và xuất phát từ tác phẩm văn học, nhưng mục đích chính là yêu cầu người viết bàn bạc, nghị luận về một vấn đề xã hội, đạo lí, tư tưởng, nhân sinh, hiện tượng đời sống…

+ Cần phân biệt dạng bài này với dạng nghị luận văn học, trọng tâm của nghị luận văn học là vấn đề liên quan đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học; trọng tâm đề nghị luận xã hội về tác phẩm văn học là vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm đó.

+ Phải đọc kỹ văn bản để nắm được vấn đề nghị luận mà văn bản đặt ra, từ đó làm cơ sở để viết bài.

Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

Để có thể viết được đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ hay nhất, bạn cần: đọc kỹ văn bản; xác định rõ vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản; tìm ý và triển khai viết bài với đầy đủ các ý sau:

* Bước 1: Nêu vấn đề

+ Dẫn dắt vấn đề

+ Nêu vấn đề cần bàn luận

* Bước 2: Triển khai vấn đề

+ Phân tích hoặc tóm tắt văn bản để chỉ ra vấn đề xã hội được đặt ra

+ Giải thích vấn đề

+ Bàn luận vấn đề

+ Rút ra bài học nhận thức và hành động

* Bước 3: Tổng kết

+ Khái quát lại vấn đề

+ Nêu ý nghĩa của vấn đề đó

Ví dụ minh họa và đoạn văn mẫu 200 chữ lớp 9

Ví dụ minh họa kèm gợi ý làm bài chi tiết dưới đây sẽ giúp các em nắm rõ nội dung bài học, hãy cùng thực hành viết bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ nhé:

  • Đề bài:

Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát.

Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp…

(Theo: Lớn lên trong trái tim của mẹ - Bùi Xuân Lộc – NXB Trẻ, 2005)

Hãy viết một đoạn văn nghị luận bày tỏ những suy nghĩ về bài học từ cuộc sống em rút ra từ câu chuyện trên.

  • Gợi ý đáp án:

* Giới thiệu vấn đề:

+ Giới thiệu khái quát về nội dung câu chuyện.

+ Nêu vấn đề được đặt ra trong câu chuyện.

  • Triển khai vấn đề:

* Giải thích:

+ Hạt cát: Biểu tượng cho những khó khăn và những biến cố bất thường… có thể xảy ra đến với con người bất kì lúc nào.

+ Con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát.,, biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp: Biểu tượng cho con người biết chấp nhận thử thách để đứng vững, biết vượt lên hoàn cảnh. Tạo ra những thành quả đẹp cống hiến cho cuộc đời…

+ Câu chuyện ngắn gọn nhưng trở thành bài học sâu sắc về thái độ sống tích cực. Phải có ý chí và bản lĩnh, mạnh dạn đối mặt với những khó khăn gian khổ, học cách sống đối đầu và dũng cảm, học cách vươn lên bằng nghị lực và niềm tin…

* Bàn luận:

+ Khẳng định câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc với mỗi người trong cuộc đời:

- Những khó khăn, trở ngịa vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, luôn vượt khỏi toan tính, dự định của con người. Vì vậy, mỗi người phải đối mặt, không được bi quan, buông xuôi, đầu hàng số phận…

- Khó khăn trở ngại chính là điều kiện để con người đứng vững, tôi luyện bản lĩnh hình thành cho mình nghị lực, niềm tin, sức mạnh và làm tiền đề cho những thành công, hạnh phúc sau này… (như con trai cũng đã cố gắng nỗ lực, không tống được hạt cát ra ngoài thì nó đối phó bằng cách tiết ra chất dẻo bọc quanh hạt cát… ).

- Chính khó khăn, trở ngại đã giúp con người nhận ra khả năng của mình, tin tưởng vào khả năng của bản thân. Cơ hội để mỗi người khẳng định mình.

+ Bởi vậy con người cần tin tưởng vào khả năng của bản thân, tự quyết định cuộc sống của mình bằng sự nỗ lực cố gắng, dũng cảm vượt qua thử thách khó khăn, có những hành động tích cực; biết hướng về phía trước con người sẽ sống có ý nghĩa và trưởng thành hơn… (Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp…).

(Dẫn chứng về những con người vượt lên số phận làm đẹp cho cuộc đời…).

+ Nếu không dám đương đầu và vượt qua khó khăn thử thách con người sẽ gục ngã (như con trai lúc ban đầu bị hạt cát lọt vào trong cơ thể của nó gây ra cho nó rất nhiều khó chịu và đau đớn…)

* Bài học:

+ Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, cũng thuận buồm xuôi gió… Khó khăn, thử thách luôn là quy luật của cuộc sống mà con người phải đối mặt…

+ Phải có ý thức sống và chiến đấu, không được đầu hàng, không được gục ngã mà can đảm đối đầu, khắc phục nó để tạo nên thành quả cho cuộc đời, để cuộc sống có ý nghĩa.

+ Phê phán những người có lỗi sống hèn nhát, buông xuôi, đầu hàng, đổ lỗi cho số phận…

+ Liên hệ rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân…

  • Tổng kết

+ Khái quát lại vấn đề và ý nghĩa của vấn đề đặt ra.

Những lỗi cần tránh khi viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

* Các lỗi thường gặp

- Về nội dung:

+ Không xác định được các dạng đề trong nghị luận xã hội.

+ Không xác định đúng trọng tâm vấn đề nghị luận.

+ Luận điểm không rõ ràng.

+ Luận điểm và luận cứ không có sự liên kết.

+ Trình bày lan man, không làm nổi bật vấn đề nghị luận.

+ Chưa biết cách viết phần mở và kết đoạn.

+ Áp dụng cứng nhắc các bước viết bài.

+ Bài viết lên gân, thiếu sự truyền cảm và thiên về rao giảng đạo lý.

+ Trong bài nghị luận về vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học, phần nghị luận văn học lấn át nghị luận xã hội.

- Về trình bày:

+ Bố cục không rõ ràng.

+ Lặp từ, lặp ý.

+ Viết không đúng dung lượng yêu cầu.

* Cách khắc phục

+ Phân biệt và nhận diện các dạng nghị luận.

+ Đọc kỹ ngữ liệu, câu hỏi và phân tích yêu cầu của đề trước khi làm.

+ Xác định rõ hệ thống luận điểm, luận cứ cho bài viết và bám sát vào hệ thống luận điểm, luận cứ đó để triển khai bài viết.

+ Phần nêu vấn đề phải đánh trúng vào trọng tâm vấn đề không lan man, dài dòng và nêu luôn luận điểm cho bài viết. Luận điểm trình bày ngắn gọn, xúc tích, tốt nhất trong khuôn khổ một câu văn. Phần kết luận tổng kết một cách ngắn gọn nội dung bài viết.

+ Trình bày ngắn gọn, có trọng tâm, tập trung vào làm rõ vấn đề.

+ Dẫn chứng sử dụng có chọn lọc, nên sử dụng khoảng hai dẫn chứng trong bài viết.

+ Trình bày trong dung lượng cho phép của đề, không quá ngắn hay quá dài.

+ Kiểm tra lại bài để tránh lỗi dùng từ và diễn đạt.

Trên đây là cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học; tài liệu được trích từ cuốn sách “Đột phá 9+ môn Ngữ văn kì thì vào lớp 10 THPT”.

Để nhận được tư vấn chi tiết về sách tham khảo, mời bạn đọc liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây.

Mọi thông tin xin mời liên hệ:

  • Sách CCBook - Đọc là đỗ
  • Địa chỉ: Số 10 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 024.3399.2266
  • Email: [email protected]

Nguồn: ccbook.vn

 

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 02439996268
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: